Bất chấp COVID-19, Việt Nam vẫn lọt Top 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài
Thương hiệu doanh nghiệp công nghệ Việt: "Cánh cửa mở" để thu hút vốn đầu tư nước ngoài / Đầu tư nước ngoài 2023: Chọn lọc để Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua một hành trình dài 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, và đang bước vào giai đoạn hợp tác đầu tư nước ngoài mới, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển.
Phát biểu tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, sáng 15/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Việt Nam vẫn lọt Top 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới.
Điều này đã chứng minh cho những thành công của Việt Nam trong thu hút nguồn lực từ bên ngoài.
Cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực kinh tế năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế.
“35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, không chỉ trên khía cạnh nguồn lực đầu tư, mà còn góp phần quan trọng hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, động lực giúp các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn ở mức cao; tăng trưởng thấp. Các nền kinh tế lớn vẫn tiếp tục được cảnh báo đối diện với nguy cơ suy thoái; cạnh tranh địa chính trị và xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, khó lường. Thị trường tài chính, nợ công, thiên tai, biến đổi khí hậu... tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bối cảnh này đã ảnh hưởng rất lớn tới dòng đầu tư toàn cầu. Lại thêm vấn đề mới phát sinh là từ năm 2024, một số nền kinh tế dự kiến áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15%, nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng chậm lại.
“Gần đây, chúng tôi còn nhận thấy, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình đang dần được cải thiện, khi số dự án đăng ký đầu tư mới vẫn tăng cao, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng tích cực hơn”, ông Trung cho biết.
4 tháng đầu năm nay 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD, chỉ còn giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, thay vì giảm tới 38,8% sau 3 tháng. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã đạt 3,1 tỷ USD, tăng tăng 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án đăng ký mới cũng tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, hay Nhật Bản, Hàn Quốc đã bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Với tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, xác định năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu này đến năm 2025.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Đó là, xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Đổi mới sáng tạo chính là khâu đột phá của chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.
Phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đồng thời, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đưa khu vực đầu tư nước ngoài kết nối chặt chẽ với khu vực đầu tư trong nước, mang lại sức phát triển bền vững cho nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo