Giá tôm thấp kỷ lục do dư cung toàn cầu: Doanh nghiệp Việt cần ứng phó ra sao?
Tân tổng giám đốc BIDV MetLife là ai? / Quảng Nam: Hơn 100 doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu du lịch năm 2024
Các "ông lớn" tiếp tục tăng sản lượng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sản lượng nuôi và xuất khẩu tôm của các nước sản xuất hàng đầu liên tục tăng trưởng nóng trong những năm qua, dẫn đến tình trạng dư cung và đẩy giá tôm ở các thị trường xuống mức thấp kỷ lục.
Năm 2023, xuất khẩu tôm của một số quốc gia ghi nhận giảm, nhưng một số “ông lớn” trong ngành vẫn tiếp tục tăng trưởng sản lượng nuôi và xuất khẩu. Xuất khẩu tôm của top 6 quốc gia trên thế giới tăng đều từ năm 2021 đến 2023.
Tổng sản lượng tôm nuôi năm 2023 ước đạt khoảng 5,6 triệu tấn. Dự báo năm 2024 sản lượng sẽ tăng khoảng 4,8%. Sản lượng tôm của hai quốc gia lớn là Ecuador và Ấn Độ nhìn chung vẫn còn dư thừa để đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong năm 2024.
Năm nhà sản xuất tôm hàng đầu lần lượt bao gồm Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Những quốc gia này chiếm khoảng 74% sản lượng toàn cầu vào năm 2023 (ước khoảng 4,1 triệu tấn). Các nhà sản xuất quan trọng khác ở châu Á bao gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar và các nước khác đóng góp khoảng 840.000 tấn. Tại Mỹ Latinh, các nhà sản xuất khác do Brazil, Mexico và Venezuela dẫn đầu sẽ bổ sung khoảng 500.000 tấn vào sản lượng thế giới trong năm 2023.
Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới. Trong đó, Mỹ chiếm từ 26-30% giá trị nhập khẩu tôm, Trung Quốc chiếm từ 16-22%. Hai thị trường này đang phải “gánh” phần lớn số tôm dư thừa khi mà các nước sản xuất lớn, nhất là Ấn Độ và Ecuador đổ xô xuất khẩu, gây ra cạnh tranh dữ dội không chỉ giữa các nước xuất khẩu tôm và cả với các nhà sản xuất và kinh doanh tôm nội địa. Do dư cung, cả giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu tôm toàn cầu đều giảm mạnh trong năm 2023.
Trước tình thế đó, hai thị trường đều liên tục có những động thái phản ứng nhằm bảo hộ ngành tôm nội địa, siết chặt nhập khẩu.
Đơn cử, Mỹ có động thái điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) từ các nguồn cung tôm chính là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam và đã công bố thuế CVD sơ bộ đối với tôm của 3 nước.
Trung Quốc - thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Ecuador – cũng cảnh báo và tăng cường kiểm soát ATTP đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador.
Ecuador và Ấn Độ chưa có ý định “kiềm chế” sản lượng tôm trong tương lai. Mặc dù hai nước này cũng có kế hoạch tăng thêm tôm giá trị gia tăng, nhưng trong tương lai ngắn thì thế mạnh của họ vẫn là tôm nguyên liệu như tôm vỏ, tôm thịt.
Với thực trạng sản xuất hiện nay như chi phí đầu vào cao, giá thành cao, tôm Việt Nam chắc chắn sẽ không cạnh tranh được với Ấn Độ và Ecuador trong phân khúc này.
Số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 2/2024 cho thấy, giá tôm thẻ vỏ của Việt Nam đang cao hơn 1-2 USD/kg so với tôm của Ấn Độ và Indonesia, tôm sú vỏ cao hơn từ 3-5 USD/kg. Trong khi đó, giá tôm tẩm bột nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn so với sản phẩm của Ấn Độ và Indonesia, nhưng lại thấp hơn so với tôm tẩm bột của Thái Lan.
Tính đến giá trị gia tăng
Theo chuyên gia Kim Thu (VASEP), sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam cần được định hình lại như thế nào để hạn chế được nguy cơ bị các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các rào cản phi thuế quan và áp lực cạnh tranh với các nước khác?
Ngoài việc luôn luôn phải bảo đảm tuân thủ các quy định của thị trường về an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động, môi trường… nên chăng doanh nghiệp tôm Việt nghĩ đến việc tăng hơn nữa chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm nhập khẩu, thay vì chạy theo số lượng, sản lượng như Ấn Độ và Ecuador?
Hiện nay, tỷ trọng của tôm chế biến bảo quản xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU đang có xu hướng tăng và trội hơn so với tôm nguyên liệu. Điều này cho thấy tôm Việt đang phát huy được thế mạnh của mình và đang có hướng đi đúng.
Cũng giống như Thái Lan, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm chế biến sâu để thu về giá trị tốt hơn, chấp nhận “khiêm tốn” hơn về sản lượng xuất khẩu, nhưng giảm nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đầu tư hơn cho mô hình nuôi và xuất khẩu tôm sú và tôm lúa cũng có thể là một hướng tốt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, phân khúc nào cũng sẽ có cạnh tranh. Do vậy, tôm sú hay tôm lúa thì cũng cần đầu tư về chất lượng để thể hiện được sự nổi trội và thế mạnh của tôm Việt: size cỡ lớn, màu tôm đẹp mắt, thịt tôm ngon, chắc…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết