Hiến kế phục hồi Du lịch Huế: Đa dạng sản phẩm, phát huy nền tảng du lịch thông minh
DNVN – Hiến kế nhằm thúc đẩy phục hồi ngành du lịch Huế hậu đại dịch Covid-19, tại Diễn đàn Du lịch Huế 2020, nhiều đại biểu, doanh nghiệp cho rằng, cần làm mới và liên kết ngành, liên kết vùng để đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó phải phát huy triệt để thế mạnh của Huế và đặc biệt là phát huy nền tảng du lịch thông minh.
Vietravel tung bộ sản phẩm “phá băng” thị trường du lịch, giảm giá sâu tới 40% / Vietravel xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên các tiêu chí an toàn
Làm mới, liên kết để đa dạng sản phẩm du lịch Huế
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, ngày 31/5, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế 2020, với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”. Đây là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho chương trình phục hồi, phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế trong bối cảnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả.
Sau phát biểu khai mạc của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Diễn đàn đã liên tiếp nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế quý báu từ các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ, các chuyên gia du lịch, cùng các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đóng góp ý kiến cho du lịch Huế.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng du lịch là ngành có khả năng hồi phục nhanh nhất, thúc đẩy các ngành khác phát triển. Thừa Thiên Huế đã chứng tỏ thế mạnh về du lịch, luôn đi đầu trong việc phát triển, phục hồi ngành du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, ngành du lịch Huế nói chung và cả nước nói riêng cần phải khẳng định sự an toàn của một điểm đến, không chỉ an toàn đối với dịch bệnh Covid-19 mà phải an toàn với tất cả các dịch vụ. Hiện nay có nhiều hình thức để thu hút du khách như, giảm giá vé, miễn phí tham quan. Song, chi phí thấp nhưng dịch vụ phải hoàn hảo.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phải khuyến khích nhiều hơn những đoàn khách đông vì mang lại những hiệu ứng to lớn. Nếu có đơn vị lữ hành đưa được những đoàn khách lớn 100 hay 1.000 người đến Huế thì lãnh đạo tỉnh nên tổ chức chào đón họ để du khách cảm nhận được tinh thần mến khách của địa phương.
“Thừa Thiên Huế cần thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn trong việc thu hút khách du lịch để tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong việc thu hút khách nội địa. Phải có những sản phẩm mới hoặc những chi tiết mới trong sản phẩm cũ. Cần chú ý đặc biệt đến dịch vụ ẩm thực, sớm đưa Huế trở thành một trung tâm ẩm thực của cả nước”, ông Vũ Thế Bình góp ý.
Theo ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vietravel: Cần làm mới ngay sản phẩm du lịch Huế.
Còn theo ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vietravel, Huế cần khai thác thế mạnh biển, hệ thống đầm phá để thêm những điểm mới, bổ sung vào tour du lịch Huế. Tỉnh nên kêu gọi đầu tư các loại hình du lịch giải trí, trung tâm thương mại có tính tập trung, tránh tình trạng manh mún. Ngoài ra, cần xây dựng thêm khu phố văn hóa ẩm thực để du khách có thể thưởng thức món ăn truyền thống Huế.
“Cần làm mới ngay sản phẩm du lịch Huế. Huế có vị trí và cơ sở vật chất lẫn tinh thần, thiên nhiên tạo ra những đặc trưng riêng cho sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh duy tu bảo dưỡng các sản phẩm đang có, cần có những sản phẩm liên kết với các tỉnh bạn vì du khách sau khi đến Huế 1 lần không muốn quay lại. Vì vậy, cần có những sản phẩm liên kết liên ngành, liên vùng đa dạng hơn”, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vietravel nêu kiến nghị.
Ông Duy chỉ ra, loại hình du lịch tham quan di sản, di tích, tâm linh gần như đã đem lại lợi thế khác biệt cho Huế, làm nên một thương hiệu Huế rất riêng trong thời gian qua, nhưng dường như đã “quá cũ” trong mắt của khách du lịch, cảm hứng về một nét Huế xưa thông qua các giá trị vật chất đang dần bị quên lãng và mai một.
“Vậy tại sao không “làm mới” và “làm khác”, nâng cao chất lượng thông qua việc thường xuyên trùng tu, kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ chuyên nghiệp xây dựng được một sản phẩm đặc biệt, mang nét riêng khác biệt chỉ có tại Huế. Chẳng hạn, trải nghiệm “một ngày làm Vua” đưa du khách vào không gian tái hiện Huế xưa, trải nghiệm văn hóa cung đình và các hoạt động trong hoàng cung, hay “du lịch thiền tịnh”, đưa du khách vào không gian tâm linh, thanh tịnh, thiền kết hợp xu hướng du lịch chữa bệnh”, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vietravel hiến kế.
Phát huy nền tảng du lịch thông minh
Theo ông Lý Đình Quân, CEO & Founder Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator), hiện nay chúng ta đang hướng tới mục tiêu du lịch bền vững với 3 trụ cột đó là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và môi trường.
Ông Lý Đình Quân, CEO & Founder Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn phát biểu ý kiến tại Diễn đàn.
Ông Quân cũng chỉ ra một thực trạng là hiện nay các doanh nghiệp sử dụng Internet rất phổ biến nhưng chưa ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0 và Blockchain vào giải quyết khó khăn, khôi phục kinh tế du lịch. Và cho biết, đơn vị của ông đang xây dựng công nghệ thực thế ảo để có thể chuyển hóa các mô hình kinh doanh trên nền tảng online. Với giải pháp này, chi phí sẽ rất rẻ vì hầu hết giải quyết số lượng lớn.
“Chúng ta cần ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ 4.0 vào việc số hóa điểm đến, kết nối với tập đoàn truyền thông để lan tỏa điểm đến. Các sở ngành phải xúc tiến du lịch thông qua trực tuyến, đẩy mạnh du lịch thông minh”, CEO & Founder Songhan Incubator gợi ý.
Trong khi đó, theo bà Trần Minh Tình, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty cổ phần Clever Group, hiện nay ngành du lịch cần đẩy mạnh Marketing trực tuyến. Theo bà có khoảng 200.000 người dùng trên Google quan tâm Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là đối tượng mục tiêu dành cho chúng ta nhắm tới để quảng bá.
“Về hành vi khách hàng, chúng ta cần phân tích nhiều giai đoạn từ nhận thức đến tăng kết nối và đưa ra dịch vụ trải nghiệm. Chúng ta cũng cần gửi thông điệp khơi gợi lòng yêu nước của Việt Nam với nội dung định hướng: Làm nổi bật những định hướng văn hóa xã hội, đưa ra các kênh quảng cáo đề xuất”, bà Tình hiến kế.
Còn theo bà Hồng Diễm, đại diện Tiktok Việt Nam, Mạng xã hội Tiktok đang có những hoạt động hỗ trợ kích cầu du lịch nội địa như xúc tiến chương trình #HelloVietnam2019 đang có sự lan tỏa rất tốt.
“Hậu dịch, chiến dịch này sẽ càng có “đất” để phát huy để khuyến khích mọi người đi du lịch. Hiện chúng tôi đang bàn hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế để tiếp tục thực hiện chương trình này trên Tiktok”, đại diện Tiktok Việt Nam chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu kết thúc Diễn đàn Du lịch Huế 2020.
Phát biểu kết luận Diễn đàn Du lịch Huế 2020, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, chất lượng. Tỉnh sẽ tiếp thu và sẽ cải thiện đề án thúc đẩy phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa.
“Có thể nói, đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm việc là điều cốt yếu, để vượt qua những thách thức. Cơ cấu lại thị trường là câu chuyện cần phải làm. Chúng ta quyết tâm tạo ra những sản phẩm mới vì đây là cơ hội để phát triển. Nếu không làm, chúng ta sẽ tụt hậu. Nhưng khi đổi mới, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu từ lữ hành, tham quan, lưu trú, dịch vụ phải đặt chất lượng lên hàng đầu”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Viên Hữu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo