Không quản lý kinh tế nền tảng bằng tư duy cũ
Hòa Bình: Diện mạo mới trong xây dựng nông thôn mới / Ninh Thuận: Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Tại Tọa đàm “Tình hình kinh tế nền tảng tại Việt Nam hiện nay” tổ chức ngày 19/11, các chuyên gia đánh giá sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nền tảng đã đưa các nhà quản lý vào một thế khó khăn nhất định. Trong đó, sự xuất hiện của các hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới khiến các nhà chính sách lúng túng trong việc định danh và quản lý những hoạt động kinh tế này. Đây cũng là bài toán mà hầu hết các quốc gia gặp phải, bao gồm cả các nước phát triển.
Nền tảng ítnhưng cơ hội nhiều
Đánh giá về kinh tế nền tảng, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành ngân hàng, cho rằng có 4 công cụ thay đổi đời sống con người: Internet, smartphone, mạng xã hội, dung lượng truyền tải thông tin.
“Ngay bản thân tôi đang tư vấn cho một số công ty cho vay ngang hàng, có điều đáng ngạc nhiên là khách hàng chỉ cần một chiếc điện thoại di động, đăng ký thông tin vay vốn, trong một thời gian ngắn đã được giải ngân vào tài khoản cá nhân”, ông Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, đánh giá về phát triển kinh tế nền tảng của Việt Nam, ông Hiếu cho rằng Việt Nam đang quá chậm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi sau nhiều quốc gia trong khối ASEAN.
“Việt Nam cần phải đẩy mạnh ứng dụng 4.0, nếu làm chậm hơn so với nhu cầu xã hội sẽ có hiện tượng tiêu cực xảy ra”, ông Hiếu nhận định.
Dưới góc nhìn của chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DTT Group, không đồng tình với ông Hiếu và cho rằng kinh tế nền tảng ở Việt Nam còn ít nhưng cơ hội nhiều.
Ông Trung ví von: “Kinh tế toàn cầu giống như cái bàn, mỗi nước là một vật nhỏ trên chiếc bàn, đó là kinh tế hai chiều, nhưng khi xuất hiện nền kinh tế số, thêm chiều cao thì sẽ trở thành ba chiều, nghĩa là các nước sẽ tương tác với nhau không bắt buộc đi qua biên giới. Và chưa dừng ở đó, sẽ có không gian thứ tư là vật lý lượng tử, máy tính lượng tử. Hiện nay, Việt Nam cũng đang nghiên cứu nền tảng thứ tư”.
Theo vị chuyên gia này, kinh tế nền tảng đã có mặt tại nhiều lĩnh vực như bất động sản, giao thông, tài chính và đến từ nhu cầu của người dùng.
“Các nước đi trước có bàn đạp lớn đã đẩy nhanh ra không gian ba chiều, nắm được nhiều nền tảng của thế giới. Tại Việt Nam có thể nền tảng còn ít nhưng cơ hội nhiều. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể học mô hình của các nước và đang rất thành công. Ngoài ra, nếu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội nền tảng hai chiều là 100 triệu dân, lợi thế địa lý vẫn phát triển tốt”, ông Trung cho hay.
Thực tế, nếu DN làm tốt công nghệ sẽ có cơ hội phục vụ cả thế giới. Chẳng hạn, hiện có khá nhiều DN làm nền tảng nhỏ rất thành công như chuyển đổi giữa các loại format của tư liệu. Hay thời gian qua, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã nổi lên và phát triển rất mạnh mẽ, trong đó có đóng góp to lớn từ việc vận dụng kinh tế nền tảng trong sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch Vingroup Nguyễn Việt Quang nhấn mạnh DN tư nhân Việt cũng có thể tạo ra những đột phá lớn nếu biết áp dụng khoa học, công nghệ vào vận hành, nhất là khi Việt Nam cùng với thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các nhà quản lý vẫn lúng túng với kinh tế nền tảng |
Đóng góp khoảng 10% GDP
“Trong cuộc cách mạng 4.0, các công nghệ của chúng ta còn lạc hậu, năng suất lao động còn rất thấp, nếu ứng dụng khoa học, công nghệ vào vận hành thì có thể tạo ra các đột phá lớn”, ông Quang chia sẻ.
Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong năm 2019, GDP của Việt Nam đạt khoảng 300 tỷ USD, đến nay chưa có nghiên cứu chính thức về sự đóng góp của kinh tế nền tảng vào GDP. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hiếu, tỷ trọng đóng góp của kinh tế nền tảng vào tổng thể GDP không nhiều, chiếm khoảng 10%.
“Cách tính GDP là tổng sản phẩm, hàng hoá dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, trong đó phần lớn hàng hóa sản xuất qua công nghệ truyền thống. Một số dịch vụ bán hàng online, theo nhiều người là lớn nhưng thực tế còn nhỏ. Do đó, tỷ trọng đóng góp kinh tế nền tảng vào GDP không quá 10%”, ông Hiếu nói.
Có cái nhìn lạc quan hơn, ông Trung cho rằng về căn bản công nghệ thông tin đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam.
“Tính theo tháp các dịch vụ, người dùng Việt Nam chiếm khoảng 1/3 - 1/2 tháp dưới, tạo ra doanh thu cho Facebook khoảng 1 tỷ USD/năm, trong kinh tế nền tảng, ở dưới thu được 20% giá trị tạo nền tảng này, chưa kể các nền tảng khác như Grab, Viber...”, ông Trung nêu ví dụ.
Theo các chuyên gia, để gia tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế nền tảng vào tổng GDP của đất nước cần phải thay đổi tư duy và có cách quản lý mô hình này phù hợp.
Chẳng hạn, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh online đang gây nhiều “đau đầu” cho các nhà quản lý chính sách về vấn đề thu thuế. Thương mại điện tử đem lại sự thuận lợi cho người dùng và kích thích tiêu dùng khi khách hàng có thể mua sắm từ bất kỳ đâu, tuy nhiên chính điều này lại gây khó khăn với các cơ quan quản lý do giao dịch thương mại điện tử khó nhận dạng, khó kiểm chứng thông tin và khó truy thu thuế. Các hình thức thu thuế đối với kinh doanh online hiện nay vẫn chỉ phụ thuộc vào sự tự giác của chủ cửa hàng mà chưa có hình thức gì để truy thu thuế hiệu quả.
Sự phát triển của nền tảng giao dịch cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới. Để có thể đón đầu xu hướng phát triển của kỷ nguyên số, tư duy quản lý cũng cần bắt đầu được thay đổi để có thể quản lý dựa trên chính những nền tảng công nghệ này thay cho các phương pháp truyền thống như hiện nay.
Để làm được tốt điều đó, các cơ quan quản lý cần phải hiểu rõ tính mới của mô hình kinh doanh nền tảng, để có tư duy mới trong quản lý và tránh khiên cưỡng áp quy định cũ vào mô hình mới. Quy định buộc các DN nền tảng phải đáp ứng quy định về vận tải hoặc thúc đẩy các DN vận tải chuyển sang làm ứng dụng kết nối sẽ dẫn đến việc không đạt hiệu quả đối với xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Trung, cái khó của việc phát triển kinh tế nền tảng hiện nay là Việt Nam chưa định danh được ai là ai trong môi trường điện tử. Vì vậy, có tình trạng hồ sơ giả, thông tin giả trên nền tảng số.
“Do đó, Chính phủ đang xây dựng định danh xác thực, tạo ra cơ sở pháp lý nhưng không để làm lộ quyền riêng tư của người dân”, ông Trung cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI