Kon Tum: Sâm Ngọc Linh tiên phong mở lối thoát nghèo
Cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tiêu thụ vải thiều Bắc Giang / TP.HCM: 1.800 tỷ đồng đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ
Trong những năm gần đây, việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, liên kết sản xuất phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đã tạo ra đột phá trong ngành nông nghiệp và từng bước đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.
Phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ rừng
Huyện Tu Mơ Rông là một trong những địa bàn có nhiều lợi thế về phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ và gìn giữ diện tích rừng. Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Tu Mơ Rông đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của chủ rừng cũng như các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.
Trên cơ sở thực tế, huyện Tu Mơ Rông còn thực hiện chính sách giữ rừng để phát triển dược liệu và du lịch. Hiện nay, toàn huyện đã có gần 20ha sâm Ngọc Linh do người dân gieo trồng, 70ha hồng đảng sâm. Ngoài ra, người dân cũng đang tiếp tục phát triển các loại cây: đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến…
“Huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền cho bà con sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng kết hợp với vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Nếu biết kết hợp, chăm lo làm kinh tế, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu dưới tán rừng sẽ giúp bà con cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững”, đại diện UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thu - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thương mại Thanh Tâm (xã Đắk Hà), cho biết dược liệu là sản phẩm có giá trị cao nhưng trước đây người dân chưa biết cách canh tác để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. HTX Thanh Tâm được thành lập nhằm kết nối chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến để tạo thành các sản phẩm. HTX cũng đang góp phần tạo việc làm cho người dân đi đôi với phát triển ngành nông lâm nghiệp bền vững.
Tại vùng nguyên liệu sản xuất của HTX, nếu như trước người dân để cây sống tự nhiên thì nay được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Dược liệu được phân vùng sản xuất và chỉ sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc…
Từ diện tích cây dược liệu của các thành viên, đến nay, HTX còn phát triển thêm các vùng dược liệu khác trên địa bàn tỉnh, nâng tổng diện tích trồng cây dược liệu lên hàng chục ha.
Có những nơi, HTX thuê đất và thuê luôn người dân trồng, chăm sóc dược liệu, cũng có những khu vực, HTX liên kết với nông dân hay HTX tại các địa phương để tổ chức trồng dược liệu. Mỗi hình thức đầu tư có những ưu điểm riêng. Ví như khi liên kết với nông dân sẽ trồng cây dược liệu ngắn ngày để nhanh khép lại chu kỳ sản xuất, sớm chia lợi nhuận cho nông dân, còn với hình thức tự thuê đất của dân để trồng thì chọn đầu tư những loại cây dược liệu lâu năm.
Xác định mô hình trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi lâu dài để nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân, hàng năm, HTX hỗ trợ người dân về nguồn giống cây, đồng thời liên kết cùng chính quyền giao khoán rừng theo nhóm hộ để người dân canh tác kết hợp với bảo vệ rừng. Vì khi được bảo vệ, rừng sẽ là lá chắn bảo vệ các loại cây dược liệu.
Liên kết tạo “vựa” dược liệu
Mục tiêu của tỉnh Kon Tum đề ra là đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển được khoảng 2.000ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm; thu hút đầu tư ít nhất 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu...
Với giá trị kinh tế cao, trồng sâm Ngọc Linh mở hướng sản xuất hiệu quả để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo (Ảnh: TL)
Tiếp đó, đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000ha, hình thành mới ít nhất 5 cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh; mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh...
Một trong những nội dung quan trọng nhằm tạo ra đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum là việc bảo tồn, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng chuỗi liên kết giá trị và phát triển thương hiệu.
Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, các cấp, các ngành tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, bảo tồn, phát triển diện tích gắn với triển khai chế biến, tiêu thụ dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển dược liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Các ngành và các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và nhân dân về chủ trương, ý nghĩa của việc phát triển dược liệu, từ đó tích cực tham gia bảo tồn, phát triển.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 1.260ha cây dược liệu; trong đó có 600ha sâm Ngọc Linh tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông và một số loại cây dược liệu phổ biến như hồng đẳng sâm, đương quy, sa nhân tím, đinh lăng… được trồng tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Sa Thầy.
Các ngành, các địa phương cũng tiến hành rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch và vùng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” để thu hút đầu tư phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung quy mô lớn; gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển dược liệu dưới tán rừng; đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất. Đến nay đã có 10 doanh nghiệp được tỉnh giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu với tổng diện tích trên 7.300ha tại hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.
Để thúc đẩy việc bảo tồn, xây dựng và phát triển thương hiệu dược liệu của tỉnh Kon Tum, nhất là sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và chế biến dược liệu. Theo đó, tỉnh hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết với trồng sâm Ngọc Linh với nhà đầu tư; hỗ trợ 50 triệu đồng/ha sâm trồng liên kết, diện tích hỗ trợ không quá 10ha/nhà đầu tư. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu còn được hỗ trợ về các thủ tục, hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở thu mua, chế biến sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác; công bố sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng do cơ sở sản xuất để đưa ra thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Liên kết sản xuất phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu để tạo ra đột phá trong nông nghiệp và từng bước đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia (Ảnh: TL)