Marcom

Nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước cần chủ động nắm bắt thời cơ, đầu tư đổi mới công nghệ, các kênh quảng bá, phân phối sản phẩm… Từ đó, hướng tới mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng nội địa.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng số 1 Đông Nam Á / Sendo và hành trình khẳng định vị thế là Sàn Thương mại điện tử của người Việt

Người tiêu dùng chọn mua các loại sữa Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Người tiêu dùng chọn mua các loại sữa Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

* Chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Để nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại, hàng Việt cần đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm, đi đôi với xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường…

Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều DN trong tỉnh ngày càng chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển theo xu thế hội nhập, nâng cao chất lượng cũng như tạo nên giá trị thương hiệu của sản phẩm địa phương.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho hay, công ty luôn chủ động tiếp cận các thông tin, kiến thức về hàng rào kỹ thuật, pháp lý liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) để có kế hoạch sản xuất, đầu tư công nghệ phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết…

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ nấm linh chi Minh Dũng (TP.Long Khánh) chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập như hiện nay. Công ty luôn chủ động áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm hướng tới quy trình sản xuất khép kín, an toàn, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tác động tới thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này đòi hỏi các DN trong nước cần thích nghi, cập nhật thường xuyên thị hiếu của khách hàng. Đồng thời, các DN cần chú trọng nâng cao hàm lượng “xanh - sạch - an toàn” trong sản xuất và phân phối để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho biết, kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững được thể hiện ở việc chú trọng về chất lượng, tiện ích của sản phẩm, hướng đến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nêu cao nhận thức về tính xanh - sạch - an toàn, hướng tới sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả, tiết kiệm...

* Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ

Vào tháng 3-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện, trong đó có nhóm nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, DN Việt.

Người tiêu dùng chọn mua các loại sữa Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các loại sữa Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Trong nhóm nhiệm vụ này, đề án chú trọng xây dựng các chương trình hành động, tổ chức các hoạt động hỗ trợ DN, nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt; nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

 

Đồng thời, đề án hướng tới xây dựng các chương trình tổng thể và đồng bộ nhằm ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ 4.0 và các giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa ứng dụng mô hình công nghệ số tại thị trường trong nước.

Đặc biệt, trong vòng 1 năm qua, Việt Nam đã tham gia 3 FTA, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số FTA mà Việt Nam đã ký kết lên con số 15.

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM chia sẻ, các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho các DN trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh… Cùng với đó là những thách thức mà các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt ngay trên “sân nhà”. Các DN trong nước cần tích cực cập nhật những kiến thức về hội nhập, chủ động nâng cao trình độ quản lý, công nghệ, đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc, quy trình sản xuất, phân phối... để có thể tận dụng tốt hơn những lợi ích từ các FTA.

Trong những năm qua, Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án để hỗ trợ DN trong tỉnh, nhất là các DN nhỏ và vừa đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao hoạt động chế biến sâu, sản xuất xanh, sạch… Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021. Trong đó, kế hoạch sẽ triển khai hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh...

 


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm