DNVN - Hiện nay, nhiều ngân hàng đang chật vật phát mãi nợ xấu gồm bất động sản, thiết bị máy móc, ô tô và thậm chí cả... vỏ bình gas.
Thời gian gần đây, hàng loạt tài sản đảm bảo được các ngân hàng ồ ạt thanh lý, với giá trị từ vài trăm triệu đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Hàng loạt tài sản thế chấp như nhà đất, ôtô, dự án sản xuất, máy móc, cổ phiếu… đến cả vỏ bình gas cũng được các ngân hàng rao bán để thu hồi vốn.
Một trong những cái tên tiêu biểu tích cực trong hoạt động bán tài sản thu hồi nợ không thể không nhắc tới chính là ‘ông lớn’ BIDV.
Cụ thể, ngân hàng này vừa phát đi thông báo rao bán tài sản đảm bảo của nhiều khoản nợ hàng chục tỷ đồng. Trong đó có khoản nợ của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải tại BIDV Bắc Hà Nội, với tổng dư nợ tính đến ngày 3/2 là hơn 32 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ này bao gồm các thiết bị máy móc, nhà kho chứa hàng, quyền sử dụng đất, 90.065 vỏ bình gas, 13 xe ô tô bao gồm cả xe tải và xe con. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có 406.325 cổ phiếu của Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải.
Giá khởi điểm của khoản nợ này là gần 21,2 tỷ đồng, thấp hơn 11 tỷ đồng so với dư nợ. Đây là lần thứ 5 BIDV chào bán khoản nợ này.
Thậm chí, có tài sản được BIDV đấu giá tới lần thứ 25 là tài sản thế chấp của Công ty CP Thúy Đạt, bao gồm nhà xưởng, nhà kho, dây chuyền máy móc với giá khởi điểm tất cả là 95 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt ô tô từ xe sang đến bình dân cũng đang được các ngân hàng rao bán với giá rẻ.
Điển hình như VIB đang đăng thông báo thanh lý hàng chục phương tiện vận tải. Trong đó có một số xe đáng chú ý như: Xe Nissan Navara có giá 597 triệu đồng; Mazda 6 có giá 700 triệu đồng, Chevrolet giá 600 triệu đồng.... Thậm chí có những chiếc xe đời cũ hư hỏng nặng được rao bán giá trên 100 triệu đồng...
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng cũng đang ráo riết đua nhau phát mãi các dự án căn hộ, đất nền với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng để thu hồi nợ.
Tuy nhiên không dễ tìm được người mua khi dịch Covid-19 kéo dài, việc bán bất động sản thế chấp gần như ‘đứng hình’, ra bán nhiều lần nhưng đều ‘ế ẩm’.
Chẳng hạn BIDV cách đây không lâu thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Cụ thể, tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 29/3/2020) là hơn 4.063 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM).
Ngoài ra, BIDV đang là đơn vị chào bán nhiều nhất các khoản nợ liên quan đến dự án nhà ở như phát mại 65 căn hộ dự án The Era Town, đấu giá khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân…
Thực trạng ngân hàng thường đấu giá thất bại, không ai tham gia, phải tổ chức đấu giá rất nhiều lần mới thành công được cho xuất phát từ khâu định giá tài sản đấu giá chưa chính xác, thậm chí quá cao so với giá trị tài sản đảm bảo. Việc định giá tài sản bán đáu giá thiếu chính xác làm kéo dài thời gian xử lý nợ, gây lãng phí và tốn kém cho chính ngân hàng.
Hà Phương