Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tăng tốc phát triển trong trạng thái mới
Chủ tịch Thừa Thiên Huế đi chợ, nhắc nhở bà con tiểu thương phòng chống dịch / Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế
Thu ngân sách đạt 81% dự toán năm
Chiều 6/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp thường kỳ tháng 9/2020 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020; bàn giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng còn lại của năm 2020.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay từ đầu năm, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội, khiến cho nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt thấp.
Trong đó, lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nặng với lượng khách du lịch đến tỉnh trong 9 tháng năm 2020 ước đạt 1.453 nghìn lượt, giảm 61% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 551,8 nghìn lượt, giảm 64%; khách lưu trú ước đạt 813,4 nghìn lượt, giảm 52%; khách quốc tế lưu trú 252,9 nghìn lượt, giảm 68%; doanh thu từ du lịch ước đạt 3.576 tỷ đồng, giảm 61%.
Tuy gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng trong 9 tháng năm 2020, Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn đạt cao.
Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2020, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn đạt cao, như: Thu ngân sách nhà nước ước đạt 6.165 tỷ đồng, bằng 81% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,02% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 626 triệu USD (đạt 78,2% kế hoạch); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.300 tỷ đồng, đạt 67,8% kế hoạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ; lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp ổn định đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung.
Về đầu tư, trong 9 tháng năm 2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 19 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 4.650 tỷ đồng; trong đó có 5 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, với vốn đăng ký 18,5 triệu USD.
Về thực hiện các nguồn vốn đầu tư phát triển; trong đó giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 9/2020 ước đạt trên gần 2.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 53% so với tổng số vốn theo kế hoạch giải ngân trong năm.
Có 777 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 7.939 tỷ đồng, giảm 3,8% về lượng và tăng 18,8% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 188, tăng 1,6%; số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động 375, tăng 35,4%.
Tăng tốc phát triển trong trạng thái mới
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2020, không chỉ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà còn bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 5 gây ra. Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra, những tháng còn lại cần phải tăng tốc phát triển trong trạng thái mới.
Trong đó, tập trung ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu, đó là: Phòng chống dịch hiệu quả; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, quan tâm hơn nữa về hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện các dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020.
Đánh giá tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội của toàn tỉnh trong 9 tháng năm 2020, bên cạnh ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được trong thực hiện “mục tiêu kép” cũng như một số “điểm sáng” dần phục hồi và phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đề nghị các “tư lệnh ngành” và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục tồn tại, khó khăn và thực hiện ngay việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội đã thống nhất trong những tháng còn lại của năm 2020.
Cũng theo ông Thọ, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện việc điều chỉnh, điều hòa vốn đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
Về giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ông Thọ cũng đề nghị tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện các dự án. Đẩy mạnh tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; thúc đẩy liên kết, tổ chức sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao; cơ giới hoá trong các khâu sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để tăng tốc phát triển trong trạng thái mới.
“Phải triển khai ngay các gói kích cầu du lịch để thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục phát triển ngành du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; trước mắt, rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên các nhóm giải pháp nhằm tăng thu ngân sách như: Đấu giá, đấu thầu các dự án trọng điểm; thực hiện thủ tục tổ chức đấu giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện các dự án lớn; đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất các dự án lớn ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các dự án khác; đôn đốc triển khai các dự án đầu tư công để tăng thu vãng lai trên địa bàn.
“Cùng với đó cần tăng cường các giải pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương; trong đó, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; xây dựng các kịch bản khi nguồn thu ngân sách nhà nước không đảm bảo do tác động của dịch Covid-19 theo thứ tự ưu tiên”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo