Xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ: Không nên 'ăn xổi ở thì'
Bài học tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa mùa dịch / Nông sản giá rẻ cung ứng cho TP Hồ Chí Minh lên đến 1.500 tấn mỗi tuần
Đây là thực trạng được ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ nêu ra tại Hội nghị Xúc tiến Thanh long Việt Nam tại Ấn Độ diễn ra sáng ngày 19/1.
Tiềm năng xuất khẩu là rất lớn
Thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu sang Ấn Độ từ năm 2014 và ngày càng được ưa chuộng tại Ấn Độ, giá trị xuất khẩu đang tăng qua từng năm và đạt 10 triệu USD vào năm 2019-2020. Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu có giảm nhưng đến đầu năm 2022 đã tăng trở lại.
Đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ. |
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Ấn Độ là điểm đến thuận lợi cho trái thanh long Việt Nam, với 1,4 tỷ dân với thói quen ăn chay nên nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn.
Đặc biệt, ông Hưng cho biết người tiêu dùng Ấn Độ đánh giá cao quả thanh long, xem đây là loại trái cây có nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, xuất khẩu thanh long Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội thị trường.
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, cho hay diện tích thanh long của địa phương là 33.900ha, trong đó diện tích VietGAP đạt 12.000 ha, 520ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Thu hoạch mỗi năm 700 ngàn tấn, ngoài thanh long tươi còn có nước ép thanh long, rượu, kẹo, sản phẩm sấy khô và sấy dẻo.
Tuy nhiên, thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua tiểu ngạch tới 70%. Với thị trường Ấn Độ, năm 2017, xuất khẩu thanh long Bình Thuận sang Ấn Độ đạt trên 300 nghìn USD, năm 2019 tăng lên trên 800 nghìn USD. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Tài cho biết kim ngạch xuất khẩu thanh long năm 2020 giảm xuống 337 nghìn USD, năm 2021 giảm xuống 328 nghìn USD.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, cho hay hiện nay do ách tắc trái thanh long ở thị trường Trung Quốc nên giá giảm rất mạnh xuống 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Tránh 'vết xe đổ' từ thị trường Trung Quốc
Như vậy, trong bối cảnh sản phẩm thanh long đang ùn ứ ở cửa khẩu thì việc tìm kiếm, tận dụng được các thị trường lớn như Ấn Độ rất cần thiết. Tuy nhiên, để tận dụng được thì còn nhiều việc phải làm.
Với kinh nghiệm xuất khẩu thanh long lâu năm sang thị trường Ấn Độ, ông Nguyễn Quốc Duẩn, đại diện Công ty Song Nam ITD, cho hay cần phải chọn tối tác để làm việc. "Làm việc với thương nhân Trung Quốc đã khó nhưng làm việc với thương nhân Ấn Độ còn khó hơn, vì vậy phải chọn được đối tác tốt. Việc phát triển thị trường được hay không còn phụ thuộc vào các đối tác. Trái thanh long phải bán sau 1 - 2 tuần nhập khẩu, nếu không bán hết thì trái thanh long sẽ bị hư hỏng.
Đồng thời, ông Duẩn cũng cho biết cần thương lượng phương thức thanh toán. Nếu hàng đi chậm, đối tác sẽ bỏ hàng, mình lại chịu thiệt hại. "Vì vậy, từ khi xuất khẩu, chúng tôi làm theo một phương thức duy nhất là đối tác phải thanh toán trước 100%, doanh nghiệp mới đóng hàng, để không mất khách hàng, mất tiền", ông Duẩn lưu ý.
Đại diện công ty Song Nam ITD cũng lưu ý, các nhà xuất khẩu thanh long Việt Nam nên thành lập Hiệp hội để xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ. Từ bài học thâm nhập của thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng thương nhân của họ đến tại vườn của Việt Nam, sau đó áp đặt giá bán, cách thức sản xuất.
Từ kinh nghiệm của người làm lâu năm với thị trường Ấn Độ, bà Huỳnh Thuý Vy khuyến nghị các doanh nghiệp không nên cạnh tranh bằng cách hạ giá sản phẩm thanh long. Doanh nghiệp, nhà xuất khẩu của Việt Nam phải hợp tác với nhau, tránh để nhà nhập khẩu có quyền được quyết định giá. Nếu như vậy chẳng khác gì chúng ta làm việc với thị trường Trung Quốc thứ 2.
Quan trọng hơn, để giữ vững thị trường thì sản phẩm phải đạt chất lượng, đồng thời tập trung sử dụng bao bì bằng tiếng Anh thay vì sử dụng vỏ thùng bằng tiếng Trung Quốc như nhiều năm nay.
Liên quan tới vấn đề này, ông Bùi Trung Thướng cho hay, nhiều nhà nhập khẩu Ấn Độ than phiền, hoài nghi rằng vì sao trái thanh long Việt Nam nhưng bao bì lại có chữ Trung Quốc. Nguyên nhân là do xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ khiêm tốn nên nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam sử dụng vỏ thùng xuất khẩu sang Trung Quốc để đựng thanh long. Nói điều này để thấy việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng.
Theo ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán Công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng đối với trái cây Việt Nam nói chung và quả thanh long nói riêng. Các địa phương và nhất là các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, bền vững khi xuất thanh long vào thị trường Ấn Độ.
Ông Hải cũng đồng ý với kiến nghị của một số doanh nghiệp đề nghị thành lập ngay Chi hội xuất khẩu thanh long tại Ấn Độ để có được chiến lược marketing bài bản, bền vững lâu dài chứ không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”.
"Mỗi người Ấn Độ chỉ dùng 1 USD để ăn trái cây thôi thì đã là một thị trường quá lớn cho thanh long của Việt Nam", ông Hải dẫn chứng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo