Nông sản thấp thỏm đầu ra dịp Tết
Thành lập tổ công tác về cung ứng, lưu thông nông sản phía Bắc / Bài học tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa mùa dịch
Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, nguồn cung các sản phẩm nông sản trong dịp Tết Nguyên đán tăng hơn so với năm ngoái, cụ thể: Lúa gạo đạt 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%), đậu các loại tăng 4%...
Nguồn cung dồi dào
Bà Vũ Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình) cho hay, Hợp tác xã hiện có 20 ha diện tích cam các loại đang cho thu hoạch, trong đó cam CS1 lòng vàng, cam đường canh, sản phẩm cam quà tặng… đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ. Do đó, Hợp tác xã mong muốn được kết nối với các đơn vị phân phối trong cả nước.
Sản lượng các mặt hàng nông sản phục vụ thị trường Tết tăng mạnh. |
Ông Ngô Trọng Phượng, Giám đốc Hợp tác xã Trường Xuân (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Chúng tôi chuyên sản xuất Nhãn Hương Chi EaKar, diện tích 450 ha, năng suất bình quân 9.000 tấn quả tươi thu hoạch quanh năm. Từ nay đến Tết có khoảng 250 tấn quả tươi cần nơi tiêu thụ. Ngoài ra, Hợp tác xã còn cung cấp lợn rừng lai, sản lượng cung ứng dịp Tết còn khoảng 350 con, tương đương 10 tấn thịt cũng chưa có ai mua.
Theo ông Phan Văn Lục, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, trong những năm qua, ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển nhanh chóng (tăng trưởng 12%/năm). Hiện tại, tổng sản lượng đã vượt 500 triệu con, sản lượng thịt đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng gấp 3-5 lần so với năm 2010.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành chăn nuôi gia cầm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, nhất là về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, vì vậy Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm đang cố gắng liên kết với các doanh nghiệp để giải bài toán tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh, hiện tỉnh đang tìm đầu ra cho một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Với nhóm sản phẩm trái cây, Tây Ninh hiện đang có 500 tấn mít Thái siêu sớm, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na Hoàng hậu. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Với nhóm sản phẩm chế biến có thể cung ứng quanh năm, Tây Ninh có sản phẩm thịt bò (được chế biến thành thịt mát, thịt đùi bít tết, thịt ba chỉ mát…), bánh tráng, rượu mãng cầu, nước ép mãng cầu, muối tôm, các loại thực phẩm chay. Tất cả đều được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao.
“Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cũng mong muốn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, các chủ thể OCOP để quảng bá, giao thương trực tiếp với các hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước, qua đó đáp ứng nhu cầu thị trường vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Nhâm Dần”, ông Mấy bày tỏ.
Nhìn từ thực tế xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn khuyến nghị các tỉnh phía Nam xem xét, thông tin tới doanh nghiệp, khi có đơn hàng với bạn hàng Trung Quốc mới đưa hàng lên Lạng Sơn. Số liệu thống kê số lượng xe nông sản tồn hiện hơn 4.300 xe, chủ yếu là xoài, thanh long, mít, dưa hấu.
“Thời tiết Lạng Sơn những ngày qua theo kiểu ngày nóng, đêm lạnh, khó bảo quản hoa quả. Mặt khác, do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID, kiểm soát ngặt nghèo, nên mỗi ngày chỉ có 100-200 xe hàng xuất được sang thị trường này. Cũng xin lưu ý, Trung Quốc chỉ ngừng nhập khẩu hàng đông lạnh 14 ngày trước Tết, còn hàng không dùng xe đông lạnh vẫn nhập”, bà Thu cho biết.
Trông cậy thị trường nội địa
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đặt ra lo ngại với quy định cách ly 21 ngày mà phía Trung Quốc đưa ra, không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa (đặc biệt là hàng đông lạnh) qua các cửa khẩu biên giới sẽ không diễn ra như thường lệ hàng năm do lái xe chuyên trách và nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để kịp cách ly về quê đón Tết. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới đây.
Trong bối cảnh việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) lưu ý các địa phương: thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá cả tốt nhất… Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất.
Về phía đơn vị phân phối, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết, mỗi ngày, doanh nghiệp này đang cung cấp hàng trăm tấn thịt gia cầm cho khoảng 40 tỉnh, thành trên cả nước. Công ty cũng đang đẩy mạnh lĩnh vực thu mua nông sản.
Vì vậy, "chúng tôi có nhu cầu kết nối với vùng nông sản đặc sản khắp vùng miền để đưa vào hệ thống của mình. Doanh nghiệp cam kết bao tiêu số lượng lớn, cung cấp mọi phân khúc cho thị trường, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt, tiện lợi nhất", bà Hà chia sẻ.
Giám đốc Công ty San Hàkhẳng định với lợi thế từ kênh phân phối thịt gia cầm, doanh nghiệp này sẽ có tiềm lực để phân phối nông sản gắn với việc liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng.
Còn theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cuối năm là dịp tiêu thụ tốt cho các mặt hàng nông sản ở thị trường trong nước. Vì vậy, ông mong nhận được thư chào hàng, giới thiệu của các nhà cung cấp, hợp tác xã, Trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh về sản phẩm. Từ đó, các nhà phân phối tính toán được nguồn hàng, phương án xúc tiến tiêu thụ.
Quan sát những ngày vừa qua, nông sản ùn ứ ở cửa khẩu phải quay trở lại thị trường nội địa bán tháo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn cho rằng, đây là nghịch lý của ngành nông nghiệp. Tại sao Việt Nam không học các nước Đông Bắc Á để đẩy mạnh thị trường nội địa, thông qua việc cung cấp sản phẩm với chất lượng tốt nhất?
"Việt Nam có một nghịch lý là lúc nào cũng hô hào xuất khẩu, vui với giá trị xuất khẩu mà quên thị trường trong nước, nhưng khi xuất khẩu không được lại hô hào bà con trong nước hỗ trợ, trong khi các sản phẩm đó vốn dĩ thị trường trong nước có thể được tiêu thụ", bà Lan nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Honda ra mắt xe côn tay 110 phân khối, thắng đĩa, màn hình LCD, giá hơn 23 triệu đồng
Toyota Innova bỏ xa Mitsubishi Xpander về doanh số
Honda chính thức mở bán ‘vua xe ga’ 250cc mới đẹp át vía Air Blade và SH: Có ABS 2 kênh, giá cực mềm
Mẫu xe ga xịn nhất của Honda chính thức ra mắt: Thiết kế đẹp mê ly, trang bị vượt xa SH, giá hấp dẫn
Yamaha chính thức ra mắt ‘vua xe ga’ 125cc mới đẹp lấn át Honda SH Mode và Vision, giá 60 triệu đồng
Apple đại hạ giá iPhone 15 Pro Max hàng tân trang, không khác gì hàng mới nhưng giá 'thơm' hơn