Hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng phát biểu tại Đại hội toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

(DNVN) - Sáng 3/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV).

Tạp chí điện tử Doanh Nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ:

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

 Thưa quý vị đại biểu,

 Thưa Đại hội,

Hôm nay tôi rất vui mừng tới dự Đại hội đại biểu toàn quốc lẩn thứ III, nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Thay mặt Chính phủ, tôi thân ái gửi tới các đồng chí lãnh đạo Hiệp hội và doanh nhân, doanh nghiệp thành viên, quý vị đại biểu, các vị khách quốc tế và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tham dự Đại hội lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa Đại hội,

Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) với vai trò đại diện, đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền. Với số lượng chiếm đa số (trên 97%), các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30 % giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước; đã phát triển mạng lưới đến chi hội cấp quận, huyện và một số địa bàn còn phát triển đến cấp xã, phường và làng nghề. Hiệp hội đã tham gia tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên và cộng đồng các doanh nghiệp tham gia các phong trào mang nhiều ý nghĩa do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: VĂN HUY.

Tại buổi lễ hôm nay, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng Hiệp hội đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, xứng đáng với những thành tích, kết quả công tác mà các đồng chí đã đạt được. Tôi cũng chúc mừng các đồng chí đã trúng cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội chúng ta, do đồng chí Nguyễn Văn Thân, một doanh nhân thành đạt, là đại biểu Quốc hội, làm Chủ tịch Hội khóa 14.

Thưa Đại hội,

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế. Thực hiện chủ trương đó, thời gian qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và thành công. Đó chính là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự tương tác kiến tạo và phục vụ trở thành nền tảng trong quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, tôi trao đổi với Đại hội 3 vấn đề sau.

Vấn đề thứ nhất: Đảng và Chính phủ đã, đang và sẽ làm gì để phát triển doanh nghiệp và Hiệp hội

Điều cần làm đầu tiên và quan trọng nhất là thay đổi về tư duy và cách tiếp cận. Với một tinh thần mới, cách tư duy mới, Chính phủ đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp, trên cơ sở đó ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vừa qua.

 

Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch,  bình đẳng, xóa bỏ cơ chế "xin-cho", “duyệt-cấp", lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi... Cần có sự thay đổi nhận thức một cách căn bản và sâu sắc, phải thực sự lấy kinh tế tư nhân là một động lực hết sức quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phải tạo ra một môi trường bình đẳng và minh bạch, DNNVV mới có đầy đủ cơ hội để phát triển và thành công. Môi trường kinh doanh bình đẳng không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn cần bình đẳng ngay trong mỗi khu vực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Xây dựng môi trường liêm chính. Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng: Quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm.  Không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực. Đây là thông điệp mạnh mẽ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi tới đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Bộ máy hành chính Nhà nước quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần: Cộng đồng và từng doanh nhân, doanh nghiệp và người dân là đối tượng được phục vụ, được thụ hưởng những thành tựu, kết quả do công cuộc đổi mới, cải cách mang lại. 

Nhân đây tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân "hãy nói KHÔNG với tiêu cực", thực hiện kinh doanh với tinh thần liêm chính, không tiếp tay cho tiêu cực, nhũng nhiễu.

Vấn đề thứ hai: Một vài điểm gợi mở về hoạt động của doanh nghiệp và của Hiệp hội

Về vai trò và vị thế của Hiệp hội: Hiệp hội là tổ chức thành lập trên cơ sở tham gia tự nguyện của các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau phát triển. Để đáp ứng môi trường và bối cảnh mới, Hiệp hội phải xác định luôn mang lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho các thành viên chứ không phải là đơn thuần thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn và bộ máy tổ chức nặng về hành chính sơ cứng. 

Hiệp hội cần thực hiện tốt vai trò là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam. Tham gia sâu rộng hơn nữa cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Tương trợ lẫn nhau giải quyết khó khăn, vướng mắc để cùng phát triển. Các cấp từ Trung ương đến địa phương (huyện, xã) tạo mọi điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt là các DNNVV phát triển. Các ngân hàng thương mại tạo mọi điều kiện, mọi kênh vốn thuận lợi cho các doanh nghiệp này.

 

Về định hướng phát triển, tôi xin gợi mở 3 vấn đề để Hiệp hội chúng ta trao đổi và đề ra chương trình hành động của mình.

Chiếm lĩnh thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và vươn ra biển lớn. Cả nước ta hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp. Trong 11 tháng năm 2016, đã có 102.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 798.000 tỷ đồng. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020 sẽ có thêm 1 triệu doanh nghiệp. 

Qua nhiều năm đầu tư sản xuất, kinh doanh nghiêm túc và bài bản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua thử thách của thị trường, tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng, xây dựng được những thương hiệu lớn mạnh. Nhiều khảo sát cho thấy, yếu tố thúc đẩy xu hướng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam là do độ tin cậy đối với thương hiệu hàng Việt Nam tăng lên theo từng năm, đồng thời nhiều nhãn hàng Việt Nam đã có thể cạnh tranh với nhãn hàng nước ngoài. Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu thực sự về tiêu thụ nội địa. Đó chính là động lực thay đổi nền kinh tế. Chúng ta cần tạo điều kiện thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tôi mong chờ trong số các thành viên Hiệp hội chúng ta sẽ sớm có những thành viên trở thành doanh nghiệp lớn như thế. 

Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội, không chỉ phát triển về số lượng mà cả về chất lượng, thể hiện qua việc các thành viên phát triển nhanh, bền vững. Hiệp hội là cái nôi, là bệ phóng cho những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh của đất nước trong những năm tới.

Tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu.Theo một khảo sát, hiện nay chỉ có khoảng 21% DNNVV của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Cho dù những cái bắt tay giữa DNNVV Việt Nam và tập đoàn đa quốc gia có thể ví như cuộc chơi của người bé nhỏ với gã khổng lồ nhưng đó chính là con đường ngắn nhất, tốt nhất để doanh nghiệp chúng ta lớn nhanh và ghi tên mình vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu. Vấn đề đầu tiên là phải khao khát và quyết tâm, phải chủ động tìm hiểu, chọn chiến lược thâm nhập, không thụ động đợi khách hàng, sẵn sàng đầu tư đổi mới công nghệ thích ứng. Gia nhập chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia cũng chính là hướng đi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta. 

 

Thực tế cho thấy đã có nhiều công ty Việt Nam thành công và đang phát triển mạnh mẽ theo hướng đi này như Công ty Ô tô Trường Hải, Công ty Việt Hưng (công ty đầu tiên trở thành nhà cung cấp của Samsung điện tử), Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội… là những ví dụ điển hình.

DNNVV góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn ở nước ta. Xây dựng nông thôn là một chủ trương và là nhiệm vụ chính trị to lớn của chúng ta. Công cuộc này không thể thành công nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng một ngành nông nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao, mang lại bộ mặt mới và chất lượng sống mới cho nông thôn rộng lớn ở nước ta. Tôi đề nghị Hiệp hội cùng các thành viên ủng hộ, tích cực tham gia chương trình này.

Vấn đề thứ ba: Đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đặc trưng bởi công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Thiết bị di động trở thành công cụ trung tâm; công nghệ mô phỏng sinh học, hóa học xanh, sinh thái học công nghiệp, năng lượng tái sinh, công nghệ nano xanh sẽ phát triển mạnh và thay đổi cuộc sống con người. Dự báo nhiều sản phẩm hoàn toàn mới lạ sẽ xuất hiện trong 10 năm tới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cơ bản vẫn đang ở giai đoạn của cách mạng công nghiệp lần thứ 2, chủ yếu là dây chuyền gia công lắp ráp. Ví dụ ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thấp. Ước tính chúng ta chỉ có chưa đến 0,1% doanh nghiệp khoa học công nghệ trong tổng số doanh nghiệp. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu trong khi tại Ấn Độ tỉ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%. 

Doanh nghiệp Việt Nam ta phải làm gì để nâng cao năng lực của mình, để tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4? Đây chính là câu hỏi lớn mà Hiệp hội chúng ta cùng các thành viên cần đưa ra câu trả lời. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp cận cơ hội và đối phó với thách thức.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, tôi đề nghị các đồng chí thảo luận kỹ chương trình hành động của mình. Hiệp hội DNNVV Việt Nam phải tiếp tục làm tốt vai trò người đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, tăng cường sâu sát cơ sở, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, của doanh nghiệp, phát hiện những nhân tố  mới, đề xuất cải cách cơ chế chính sách tạo đột phá cho phát triển để tham mưu cho Đảng, Nhà nước của chúng ta.

 

Thưa Đại hội,

Chính phủ sẽ không ngừng tạo dựng, hoàn thiện một môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. 

Thủ tướng Chính phủ mong muốn Hiệp hội thực sự trở thành “cầu nối” tin cậy của Nhà nước, Chính phủ tới cộng đồng các doanh nghiệp trong thực thi chính sách pháp luật, thực thi các phong trào xã hội và mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Nhân dịp này, tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội DNNVV Việt Nam phát huy truyền thống tốt đẹp, sức mạnh đoàn kết thống nhất, tinh thần lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nhau làm giàu chính đáng, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngày một phát triển, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng là ngôi nhà chung của cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Chúc toàn thể quý vị đại biểu, các vị khách quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, đồng chí Cao Sỹ Kiêm, đồng chí Nguyễn Văn Thân, sức khỏe, hạnh phúc, nhiều thành công.

 

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo