Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dệt may Việt Nam xử lý 6 vấn đề
Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 20/6, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao giao và giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn TKV cần quan tâm 6 vấn đề không những phục vụ tăng trưởng trước mắt, mà còn có ý nghĩa với sự ổn định, phát triển lâu dài cho Tập đoàn.
Thứ nhất, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Tập đoàn cần báo cáo về các giải pháp phục vụ thúc đẩy tăng trưởng GDP, đổi mới ra sao, công nghệ thế nào, phát triển thị trường…
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, mục tiêu là hiệu quả.
“Dệt may đang làm tốt hai khâu đầu và cuối là sợi và may, nhưng điểm nghẽn là công nghiệp phụ trợ, nhuộm… đều khó khăn. Từ cái kim, sợi chỉ, chiếc khuy áo cũng phải mua, vậy chúng ta nội địa hóa thế nào? Đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án để sớm đưa vào hoạt động hiệu quả với mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Không để các dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, thất thoát vốn”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Vấn đề thứ ba rất mấu chốt là phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp như May Nhà Bè, May Việt Tiến… mà không cổ phần hóa sớm thì không có bước phát triển như vừa qua. “Vừa rồi Thủ tướng đi Mỹ, vào gian hàng của Ivanka Trump, con gái Tổng thống, rất mừng khi thấy quần áo Made in Việt Nam”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. Hiện, dệt may Việt Nam đã chinh phục những thị trường rất khó tính, quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhưng với các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, ASEAN… mà không đổi mới nhanh thì cũng không đáp ứng được yêu cầu.
Vấn đề thứ tư, Thủ tướng đặt vấn đề yêu cầu ngành may có giải pháp tốt để thay vì chỉ gia công thì phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, tránh tình trạng giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về thực tế không cao. Chẳng hạn, ta vẫn chưa làm được vải khổ rộng dù đã nhập khẩu bông để sản xuất sợi.
Thứ năm, ngành dệt may Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý sản xuất, quản trị doanh nghiệp, nhưng công nghệ luôn thay đổi thì ngành phải tiếp cận công nghệ hiện đại nhất, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vấn đề thứ sáu, Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh cải cách hành chính nội bộ, tránh tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, bộ máy quản lý lương cao nhưng lương công nhân thấp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo