Thu về gần 4,5 nghìn tỷ từ thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước
Báo cáo về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ này tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp nhà nước (DNNN); hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính đối với DNNN. Tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN.
Tính đến ngày 22/6/2016, có 39 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; theo đó, Nhà nước nắm giữ 9,89 nghìn tỷ đồng, phần vốn bán cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động và đấu giá công khai 11,18 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty, SCIC đã thoái vốn 2,3 nghìn tỷ đồng, thu về 4,49 nghìn tỷ đồng.
Về tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Tài chính đã tham gia với các bộ, ngành Kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với Kế hoạch tài chính - ngân sách giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng các biện pháp giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đối với một số dự án quan trọng; áp dụng cơ chế cho vay lại nguồn vốn ODA và vay ưu đãi đối với các dự án có nguồn thu trực tiếp.
Về tái cấu trúc thị trường tài chính, đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán, trình Chính phủ ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh chứng khoán; hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa gắn với niêm yết và việc nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, triển khai các giải pháp để thu hút các dòng vốn trong nước, ngoài nước nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Tính đến tháng 6/2016, quy mô thị trường chứng khoán tăng khoảng 11% so cuối năm 2015 và đạt tỷ lệ 36% GDP; thông qua thị trường đã huy động được 223 nghìn tỷ đồng (bao gồm phát hành TPCP, cổ phiếu, đấu giá cổ phần) cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Hoạt động thị trường ổn định; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, xử lý kịp thời các vi phạm.
Đối với thị trường bảo hiểm, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh bảo hiểm và cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm thay thế cho các Nghị định trước đây nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho sự phát triển thị trường; tiếp tục thực hiện giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp bảo hiểm; triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm bắt buộc trong xây dựng; tăng cường công tác giám sát, nâng cao năng lực tài chính các doanh nghiệp bảo hiểm. Ước 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015; đầu tư trở lại nền kinh tế 175 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo