Thúc đẩy xuất khẩu để vực dậy kinh tế
Nhiều thách thức
Các chỉ số kinh tế cho thấy, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn. Có hơn 17.000 công ty đã nộp đơn phá sản chỉ trong quý I/2012. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, với dự kiến mức tăng trưởng chỉ khoảng 5% trong năm nay.
Sức mua trong nước rất yếu, dẫn tới hệ quả là tỉ lệ hàng tồn kho cao. Xuất khẩu trong năm 2012 cũng gặp khó, bởi các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế.
Tại châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng.
Trên thị trường quốc tế, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, như dệt may, giày dép, hàng may mặc, thủy sản… cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của các đối thủ mới, như Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh và Ấn Độ, khi các nền kinh tế này được hưởng các khoản ưu đãi thuế từ châu Âu.
Các cơ hội thương mại
Ông Huỳnh Bửu Quang, Phó giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho biết: “Mặc dù những điều kiện kinh tế khó khăn trên thế giới và trong nước sẽ khiến thương mại Việt Nam suy giảm nhẹ trong vòng 5 năm tới, song dự báo của HSBC về tăng trưởng thương mại Việt Nam từ nay cho tới cuối năm 2025 vẫn rất khả quan. Sự tăng trưởng vững chắc này đạt được là do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thách thức thực sự của các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm hiện tại là phải chống chọi với “cơn bão” kinh tế đang diễn ra bằng cách tận dụng tối đa nguồn nhân lực và tiềm năng cải tiến của mình”.
Theo một báo cáo gần đây của HSBC, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước như Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia và Nam Phi dự báo sẽ tăng. Xuất khẩu sang Slovakia, một liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị điện tử tiêu dùng, cũng được cho là sẽ gia tăng.
Điều này cho thấy, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã tích cực mở rộng thị trường mới, bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, nhằm khai thác cơ hội và tránh những bất ổn kinh tế hiện tại từ châu Âu.
Lĩnh vực đạt mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của Việt Nam được dự báo là in ấn và máy móc - thiết bị phụ trợ, với mức tăng bình quân 12,88%/năm trong 5 năm tới. Xuất khẩu quần áo - giày dép sang thị trường Mỹ cũng tiếp tục phát triển, dự báo tăng 4,41%/năm cho đến năm 2016. Nhập khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng chủ yếu từ Trung Quốc với các sản phẩm như khí dầu mỏ và hàng dệt kim.
Ông Quang cho biết thêm: “Một điều cũng rất quan trọng là, Việt Nam cần phát triển các hành lang xuất khẩu mới nổi, như Thụy Sỹ - quốc gia đang là điểm đến xuất khẩu phát triển nhanh của Việt Nam”.
Sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế
Trong tình hình các thị trường truyền thống đang gặp những khó khăn kinh tế hoặc đã bão hòa, Việt Nam cần tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới cho xuất khẩu. Những thị trường này có thể là châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ…
Cuộc cạnh tranh có thể rất khó khăn, nhưng đây có thể là lựa chọn duy nhất trong những năm trước mắt, cho đến khi nhu cầu trong nước tăng trở lại. Chiến lược mới của các doanh nghiệp trong nước có thể bao gồm việc tìm kiếm thị trường mới, những đối tác tài chính hay đối tác kinh doanh mới, nhằm đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài.
Ở đây, các tập đoàn tài chính quốc tế, với kinh nghiệm lâu năm và mạng lưới rộng khắp, có thể hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra những thị trường mới.
Đơn cử, với một mạng lưới rộng lớn có mặt gần như ở mọi quốc gia, đặc biệt là chiến lược phát triển tập trung tại các thị trường mới nổi, HSBC là một tập đoàn tài chính đáng tin cậy trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội thương mại tại các thị trường tiềm năng mới.
HSBC đã cam kết hỗ trợ hoạt động giao thương trên toàn cầu với tổng giá trị tới 750 tỷ USD trong năm 2013. Tại Việt Nam, bằng cách tập trung vào các hoạt động hỗ trợ tài chính cho các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam, HSBC đã duy trì mức tăng trưởng ấn tượng 17% trong năm 2011.
Tác động tích cực từ tự do thương mại
Với việc tham gia các hiệp định mậu dịch tự do (FTA), Việt Nam không chỉ có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, mà còn đón nhận những dòng vốn mới, kinh nghiệm quản lý và công nghệ từ các nền kinh tế phát triển. Đây có thể được xem như là bước quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế.
Thực tiễn đã cho thấy, thương mại có thể là cứu cánh để phục hồi một nền kinh tế. Nhờ công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 bằng cách mở rộng tự do thương mại, dù là tự do thương mại trong thị trường nội địa, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển với nhiều thành công ấn tượng.
Để tham gia và tận hưởng những lợi ích kinh tế từ FTA, các nhà hoạch định chính sách có nhiều việc phải làm, trong đó, những nhiệm vụ cơ bản là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tinh giản hệ thống hành chính, tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và tập trung đào tạo nguồn nhân lực.
Theo ĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo