Thương hiệu 4,3 tỷ USD của McKinsey lung lay vì 'hợp đồng phi pháp' ở Nam Phi
Tình trạng mất điện tiếp tục diễn ra. Công ty năng lượng quốc doanh Nam Phi Eskom đứng trước bờ vực phá sản. Việc bảo trì bị hoãn lại, đe dọa lưới điện quốc gia Nam Phi.
McKinsey & Co, ông trùm trong lĩnh vực tư vấn quản lý, tin có thể giúp Eskom nhưng không biết có nên can thiệp hay không, theo các nguồn thạo tin. Rủi ro khá lớn. McKinsey có thể khắc phục sự cố? Công ty có được thanh toán? Công ty có bị vướng vào bê bối tham nhũng ở Nam Phi?
Cuối năm 2015, bỏ qua sự phản đối từ ít nhất ba đối tác có sức ảnh hưởng, McKinsey quyết định mạo hiểm và ký vào hợp đồng, có thể lớn chưa từng có tại châu Phi, với giá trị tiềm năng là 700 triệu USD.
Đây cũng là sai lầm lớn nhất trong lịch sử 90 năm của McKinsey. Hợp đồng trên là phi pháp, vi phạm luật đấu thầu Nam Phi, với vài khoán thanh toán liên quan đến nhà Gupta, một gia đình gốc Ấn Độ, khi đó là tiêu điểm của bê bối tham nhũng ở Nam Phi.
Tiếp theo là quy mô khoản thanh toán, khoảng 85 triệu USD, theo Financial Times. Không cần phải tốt nghiệp Trường Kinh doanh Havard để giải thích tại sao người dân Nam Phi tức giận khi thấy một công ty lớn của Mỹ lấy đi quá nhiều ngân sách Nam Phi, quốc gia với bất bình đẳng thu nhập cao nhất trên thế giới và tỷ lệ thất nghiệp hơn 50%.
Một điều trớ trêu nữa là dù McKinsey được thanh toán dựa trên kết quả làm việc, Eskom vẫn chưa thể hiện rõ là hoạt động tốt hơn so với trước đó.
Nhà Gupta, bạn của Zuma
Vấn đề Eskom hiện là một phần trong cuộc điều tra mở rộng do nhà chức trách Nam Phi triển khai để tìm hiểu cách thức nhà Gupta sử dụng mối quan hệ với tổng thống khi đó là Jacob Zuma cùng con trai ông để thao túng các doanh nghiệp nhà nước phục vụ mục đích riêng. Các cơ quan giám sát tham nhũng quốc tế gọi đó là một vụ “thâu tóm nhà nước” còn giới nghị sĩ Nam Phi dùng từ “đảo chính im lặng”. Ông Zuma đã bị phế truất sau đó.
Câu hỏi được đặt ra: sao McKinsey, với sức ảnh hưởng rộng lớn, có uy tín trong nghiên cứu, tư vấn cho nhiều công ty, chính phủ phương án tốt nhất, lại vướng vào bê bối như vậy? McKinsey thừa nhận sai lầm trong quyết định nhưng phủ nhận có hoạt động phi pháp.
Hai đối tác cấp cao chịu hầu hết trách nhiệm cho sai phạm, theo McKinsey.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra do New York Times thực hiện, bao gồm các cuộc phỏng vấn với 16 đối tác từng và đang làm việc với McKinsey, cho thấy gốc rễ ván đề là ở việc thay đổi văn hóa hợp tác của công ty này. Các thay đổi trên mở đường cho công ty tư vấn chính quyền nhiều hơn và các cách thức bồi thường mới. Chúng giúp quy mô của McKinsey tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua nhưng lại mang đến nhiều rủi ro về danh tiếng.
McKinsey cũng bỏ qua lời cảnh báo về việc nhà Gupta có thể liên quan và chỉ nhận thấy rủi ro về quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước. Những giám sát, người có thể phủ quyết hoặc điều chỉnh hợp đồng, lại không phải người Nam Phi và thiếu hiểu biết về nước này để dự đoán rắc rối.
“Tôi chịu trách nhiệm”, giám đốc điều hành McKinsey Dominic Barton cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Đó không phải là bản chất hay công việc chúng tôi vẫn làm”. Barton thừa nhận công ty có một chút “nước đổ đầu vịt” trong việc xử lý sớm khủng hoảng.
Sau khi bê bối Eskom vỡ lở, phần lớn hoạt động kinh doanh của McKinsey tại Nam Phi bốc hơi. Barton đã tới Nam Phi 6 lần để đánh giá thiệt hại và khắc phục. McKinsey cũng đề nghị 2.000 đối tác toàn cầu của công ty hoàn trả cho Nam Phi.
Bài học
Sự việc của McKinsey là lời thức tỉnh cho các công ty tư vấn lớn khác đang hoạt động trong nhiều môi trường chính trị khắc nghiệt trên thế giới.
“Rủi ro chính trị luôn là vấn đề với mọi công ty tư vấn lớn. Chúng tôi đã thấy trường hợp của McKinsey ở Nam Phi và càng phải đảm bảo rằng hệ thống sàng lọc của chúng tôi phải đủ mạnh, có tính kỷ luật và nghiêm ngặt để không vướng vào vết xe đổ”, một đối tác cấp cao tại một trong những đối thủ lớn của McKinsey nói.
Nhằm ngăn tình trạng tương tự tái diễn, McKinsey đã cải tổ hệ thống điều hành ở Nam Phi bằng việc thay thế người phụ trách tài chính và pháp lý, bổ nhiệm tân giám đốc ở châu Phi là Ozgur Tanrikulu, cựu quản lý đối tác của công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Những thay đổi này giúp đảm bảo, “đặc biệt là ở Nam Phi, chúng tôi sẽ không gặp rắc rối nữa”, ông Kevin Sneader, người sẽ là giám đốc quản lý toàn cầu của McKinsey từ 1/7, nói.
Sneader, 51 tuổi, cho biết thêm rằng hoạt động của công ty tại Nam Phi đã giảm. Một số ngân hàng và doanh nghiệp tiêu dùng như Coca-Cola tại đây đã cắt quan hệ với McKensey. Việc này buộc McKinsey phải chuyển 60 trong tổng số 290 nhân viên ở Nam Phi sang văn phòng nước khác chỉ trong vòng 1 năm.
Bất chấp những khó khăn gặp phải, ông Sneader nói McKinsey vẫn giữ cam kết với Nam Phi. Năm 2014, hiểu biết của Sneader về Nam Phi “hoàn toàn là con số 0” nhưng ông đã “học hỏi nhanh chóng” và sẽ có hai chuyến đi tới nước này trong tháng 7.
McKinsey thành lập năm 1932, trụ sở tại New York City, New York, Mỹ.
McKínsey là công ty tư vấn quản lý toàn cầu với khoảng 10.000 tư vấn viên, 2.000 nhà nghiên cứu và 1.400 đối tác trong các mảng khác nhau. Nhiều cựu nhân viên McKinsey đã giúp dẫn dắt nhiều công ty đạt doanh thu hàng tỷ USD như Boeing, Vodafone và Credit Suisse. Theo Business Insider, thương hiệu McKinsey được định giá 4,3 tỷ USD vào năm 2017. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo