Hỗ trợ doanh nghiệp

Thương hiệu “hàng bình ổn”

Chương trình bình ổn thị trường năm 2015 tiếp tục khẳng định được thương hiệu khi gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia, tăng chủng loại, sản lượng, thị phần

Đường bình ổn thị trường tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt, TP HCM

 

Ngày 31-3, Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết chương trình bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 và triển khai kế hoạch năm 2015. Đây là năm thứ 14 TP triển khai chương trình bình ổn thị trường và năm thứ 3 ngân sách nhà nước không còn ứng vốn, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (DN) mà áp dụng mô hình xã hội hóa, kết nối ngân hàng với DN tham gia chương trình.

 

Hấp dẫn doanh nghiệp

 

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, chương trình bình ổn thị trường năm 2015 có 85 DN tham gia, tăng 9 DN so với năm 2014. Trong đó, có sự tham gia của 11 ngân hàng, đa dạng các hình thức hỗ trợ vốn với tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký là 11.850 tỉ đồng, tăng 3.550 tỉ đồng so với năm 2014. Đồng thời, lãi vay cũng giảm từ 0,5%-2%/năm và bổ sung  gói tín dụng hỗ trợ DN xuất khẩu với hạn mức 900 tỉ đồng, lãi suất từ 2%-4%/năm. Như vậy, có 4 gói tín dụng cho các DN bình ổn tham gia thị trường vay với lãi suất ưu đãi từ 2%-10%/năm.

 

Hàng hóa trong chương trình bình ổn năm 2015 cũng được mở rộng, đa dạng mặt hàng, chủng loại. Cụ thể, chương trình lương thực - thực phẩm ngoài 9 nhóm mặt hàng đã tham gia trước đó (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) còn được bổ sung gà pha lóc; bún, hủ tiếu, bánh phở tươi... Theo kết quả tổng kết chương trình bình ổn năm 2014, lượng hàng hóa bình ổn đã được cung ứng đầy đủ, dồi dào, bảo đảm khả năng chi phối thị trường. Trong đó, nhóm hàng lương thực - thực phẩm chiếm 25%-30% trong tháng thường và 30%-40% thị phần trong tháng Tết; lượng cung chương trình sữa chiếm xấp xỉ 50% nhu cầu thị trường; hàng mùa khai trường chiếm 35%-40%. Người dân cũng dễ dàng mua được hàng bình ổn hơn khi hệ thống phân phối mở rộng với gần 9.000 điểm bán, nhiều điểm bán ở ngoại thành, chợ truyền thống và các KCX-KCN, khu lưu trú công nhân.

 

Bà Ngô Thị Hồng Thắm (chủ một cửa hàng ở quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết lúc đầu người dân còn đắn đo khi chọn mua hàng bình ổn nhưng khi biết được chất lượng tốt, giá lại phải chăng thì ngày càng tín nhiệm.

 

Tăng cả lượng và chất

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận xét chương trình bình ổn thị trường của TP đã góp phần thiết thực trong chăm lo đời sống người dân, an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Từ mô hình của TP HCM đã rút ra được nhiều bài học cho các địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt, chương trình đã tạo nền tảng cho các DN nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nội địa, xây dựng thương hiệu cho hàng Việt và nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, chương trình đã phát triển cả về lượng và chất so với những năm trước đây. “Sức lan tỏa của chương trình ngày càng sâu rộng, thông qua hoạt động của các DN tham gia chương trình mở rộng sản xuất và đầu tư trang thiết bị hiện đại cho quá trình sản xuất dẫn đến giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, tạo nguồn hàng chủ động, dồi dào, một số DN còn phát triển mạng lưới ra bên ngoài TP gắn với thu mua và tiêu thụ sản phẩm” - bà Hồng nhấn mạnh.

 

Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo