Thương hiệu Việt trước áp lực thâu tóm
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt DN Việt Nam đứng trước nguy cơ giải thế, phá sản hoặc ngừng hoạt động. Lúc này, hoạt động mua bán, sáp nhập được xem như chiếc phao cứu sinh giúp DN vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên thực tế này dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều thương hiệu Việt “lặng lẽ” biến mất. Nhiều ý kiến cho rằng các DN Việt Nam cần chú trọng hơn nữa tới việc xây dựng một thương hiệu lớn mạnh, đứng vững trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện
Âm mưu thâu tóm từ nhiều phía
Nhìn từ thực tế những năm qua, có thể thấy nhiều lý do khiến cho các thương hiệu Việt phải ra đi. Bên cạnh những lý do như yếu kém về tài chính hay sự thay đổi của chính sách (đơn cử như các thương hiệu vàng miếng) còn có nhiều nguyên nhân khác như tâm lý chủ quan của DN, tham vọng của các đối tác nước ngoài…
Cụ thể, năm 2012, thị trường tài chính và người tiêu dùng trong nước tiếc nuối nhìn thương hiệu Tribeco (Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn) rơi vào tay Uni President (100% vốn Đài Loan). Kéo theo đó, cái tên Tribeco vốn đã rất quen thuộc với hầu hết người Việt trong suốt 20 năm qua được đổi thành Tribeco Bình Dương. Kết cục buồn của Tribeco được xem là điển hình cho câu chuyện thương hiệu Việt bị thâu tóm vào tay DN nước ngoài.
Những ngày gần đây, dư luận cũng đặc biệt quan tâm về số phận của thương hiệu Bibica của Công ty CP Bibica. Nguyên nhân là do cách đây 1 năm, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã đưa ra đề nghị về việc đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica khi Tập đoàn này có tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên tới 38% cổ phần. Tuy nhiên, trước sự phản đối quyết liệt của các cổ đông Việt Nam, Lotte đã phải từ bỏ ý định này, nhờ vậy giúp cho Bibica giữ được thương hiệu của mình. Tuy nhiên, nguy cơ bị thâu tóm của Bibica vẫn còn hiện hữu, bởi trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp các đối tác nước ngoài sau thời gian hợp tác đã dùng nhiều cách để thâu tóm DN Việt.
Trong một chia sẻ với báo chí mới đây, ông Trương Phú Chiến - Tổng Giám đốc Bibica cho biết, khi bán cổ phần cho đối tác, các DN thường chỉ yêu cầu cổ phần tối thiểu mà không qui định cổ phần tối đa, do đó, trong trường hợp tại Bibica, Lotte có thể tăng tỷ lệ cổ phần theo mong muốn của họ. Theo đó, việc quy định cổ phần tối thiểu và tối đa sẽ hạn chế khả năng thao túng DN. Thông thường, tỷ lệ cổ phần dưới 25% là tỷ lệ cổ phần an toàn.
DN nên hạn chế mức cổ phần trên 34%, để ngăn ngừa mức độ phủ quyết của các ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thống nhất của DN. Chính vì vậy, Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Bibica dự kiến tổ chức vào ngày 25-4 tới thu hút được khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Điểm mới của đại hội năm nay chính là bên cạnh Lotte, Bibica đã có thêm đối tác mới, đó là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) với tỷ lệ sở hữu 30%. Theo đó, những động thái trong thời gian tới của Lotte và SSI được cho là sẽ quyết định tới sự sống còn của Bibica.
Nhiều thương hiệu Việt ngày càng lớn mạnh
Trong khi danh sách các DN Việt Nam bị rơi rụng ngày càng dài thêm thì nhiều doanh nhân Việt vẫn tiếp tục được các tạp chí và tổ chức uy tín thế giới đánh giá cao. Với khả năng quản trị, lãnh đạo giỏi, trong vai trò chủ chốt, họ đều đã đưa tên tuổi của DN mình ngày càng phát triển lớn mạnh và vươn ra nhiều nước trên thế giới. Tiêu biểu trong số này có thể kể đến những cái tên như Mai Kiều Liên (Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk), Phạm Thị Việt Nga (Công ty CP Dược Hậu Giang), Đặng Lê Nguyên Vũ (Công ty Trung Nguyên)…
Cụ thể, hai nữ doanh nhân Mai Kiều Liên và Phạm Thị Việt Nga được tạp chí danh tiếng Forbes bầu chọn vào bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á năm 2013.
Mới đây nhất, Ngân hàng CP Công thương Việt Nam cũng vinh dự là DN Việt Nam đầu tiên được xếp vào danh sách 2.000 DN lớn nhất toàn cầu. Trước đó Công ty CP FPT (FPT) cũng là công ty Việt Nam duy nhất nằm trong 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu năm 2012 do Công ty truyền thông Global Services (Ấn Độ) kết hợp cùng Công ty tư vấn NeoGroup (Mỹ) đánh giá.
Trong báo cáo thường niên năm 2012, FPT cũng cho biết, hiện Công ty đang có hơn 180 khách hàng và đối tác là các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, IBM, HP, Sanyo, Hitachi, Panasonic… Cùng với đó, nhiều DN khác của Việt Nam cũng đã thành công trong việc đưa sản phẩm của mình XK ra nước ngoài và được thị trường quốc tế ưa chuộng, đánh giá cao như Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Minh Long…
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu Việt, lãnh đạo một DN cho rằng, cuộc chiến giữa các DN Việt Nam và DN nước ngoài giống như châu chấu đá voi. Vấn đề là DN cần biết đâu là sở trường, đâu là sở đoản để có chiến lược cạnh tranh, cùng với đó DN cần luôn luôn sáng tạo, tìm ra cho mình những cánh cửa tuy hẹp nhưng trọng yếu, những mô hình tiếp cận và chiến lược khác.
Nhật Minh
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo