Hỗ trợ doanh nghiệp

Thương vụ thâu tóm Uber chưa ngã ngũ, Grab đã mở thêm địa bàn hoạt động

Ba tỉnh thành mà Grab bắt đầu hiện diện bằng việc kết nối các xe taxi với hành khách gồm Hải Phòng, Bình Định và Ninh Thuận.

Cụ thể, tại tỉnh Bình Định, Grab đã làm việc và ký kết hợp đồng với Hợp tác xã vận tải cơ giới 19/5 Tuy Phước để cài đặt ứng dụng di động để có thể nhận cuốc xe và đón khách.

Tại Hải Phòng, Grab Việt Nam cũng mới triển khai dịch vụ Grab Taxi cho đối tác là Công ty Taxi Hùng Vương 785,785. Còn tại Ninh Thuận, hãng triển khai dịch vụ với Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sao Đỏ - chi nhánh Phan Rang.

Phía Grab khẳng định, hãng chỉ cung cấp dịch vụ Grab Taxi, áp dụng cho hình thức vận chuyển hành khách bằng xe taxi, không phải xe hợp đồng. Hình thức này, Grab khẳng định không thuộc phạm vi chương trình thí điểm tại quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải.

Việc kết nối này, theo Grab, sẽ không làm phát sinh lượng xe mới trên địa bàn, cũng không tạo thêm áp lực cho hạ tầng giao thông. Đồng thời hãng cũng cam kết nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như của các tỉnh thành – nơi Grab hoạt động.

Ngoài ra, Grab cũng khẳng định giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế không thay đổi. Đặc biệt, giá cước trên ứng dụng Grab Taxi cũng chỉ là giá ước tính để khách hàng tham khảo. Giá ước tính này cũng được Grab dựa vào giá cước của các hãng taxi tại địa phương. Tuy nhiên, tuỳ theo đoạn đường di chuyển thực tế, và khách hàng vẫn tra cước dựa vào đồng hồ tính tiền của xe taxi.

Trước đó, hôm 3/5, Bộ Giao thông Vận tải cũng có công văn khẩn gửi UBND 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động vận tải này.

Công văn hoả tốc được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra sau khi cơ quan này nhận được thông báo từ phía Công ty Grab thông báo chi tiết về thương vụ mua Uber, đồng thời đưa ra lộ trình trình hoạt động cũng như quá trình tiếp quản “giá trị tài sản” của Uber hậu thâu tóm.

Grab và Uber là hai trong 10 đơn vị được cấp phép tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Quyết định số 24 của Bộ trưởng Giao thông Vận tải. 10 đơn vị này được thí điểm hoạt động tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP HCM và Khánh Hoà.

Trong văn bản hoả tốc của mình, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị 5 tỉnh thành phố kể trên cần phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp hợp tác xã vận tải, đơn vị cung ứng phần mềm (hợp đồng điện tử) triển khai thực hiện đúng quy định về thí điểm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng tời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (nếu có) theo quy định.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo