Tiền bán vốn nhà nước tại Vinamilk, FPT, Bảo Minh... để làm gì?
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có trao đổi với báo chí về tình hình bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn cũng như giải pháp để thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong suốt thời gian qua, với sự chỉ đạo và triển khai quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Như trong giai đoạn 2011-2015 đã cổ phần hóa gần 500 doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Đến cuối năm 2015, Chính phủ cũng yêu cầu Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) "chọn thời gian thích hợp" để thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp là: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam; Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk); Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang; Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Viễn thông FPT.
Theo ông Tiến, sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, SCIC đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện với Vinamilk ngay trong năm 2016, 09 doanh nghiệp còn lại cũng thực hiện trong năm nay và đầu năm 2017. Việc triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp này được thực hiện theo một trình tự, lộ trình phù hợp với nguyên tắc thu về lợi ích cao nhất cho Nhà nước đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển, không gây biến động lớn làm ảnh hưởng đến việc thoái vốn tại các DN khác có quy mô nhỏ hơn.
Ông Tiến cũng cho biết thêm, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ giám sát SCIC để đảm bảo tránh gây biến động thị trường chứng khoán, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, công khai, minh bạch, thị trường, cạnh tranh; đảm bảo cao nhất quyền lợi của Nhà nước và cả các cổ đông. Lần đầu tiên bán hàng tốt, số lượng lớn phải thăm dò chứ không thể có món hàng ngon bán hết, cần phải thận trọng. “Tôi tin, SCIC sẽ lựa chọn ra phương án hiệu quả” - ông Tiến nhận định.
Đề cập vai trò của Bộ Tài chính trong quá trình bán vốn tại Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), ông Đặng Quyết Tiến cho biết, 2 doanh nghiệp này vẫn đang thuộc quản lý của Bộ Công Thương, chưa bàn giao về SCIC. Vì vậy, Bộ Tài chính chủ yếu chỉ giám sát và đưa ra ý kiến tham gia nếu Bộ Công Thương cần.
Trao đổi về nguồn thoái vốn sẽ được sử dụng như thế nào, ông Tiến cho biết một phần sẽ được thực hiện tái đầu tư cho doanh nghiệp Nhà nước còn lại theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Một phần còn lại sẽ sử dụng để chi cho đầu tư phát triển xây dựng các công trình trọng điểm, an sinh xã hội ví dụ như: Bệnh viện trọng điểm các tuyến; chi hỗ trợ chương trình nông thôn, chống biến đổi khí hậu,... Ông Tiến cũng cho rằng, trong tình hình ngân sách nhà nước còn hạn chế, nếu có thêm nguồn chi đầu tư phát triển này là cần thiết. Các nội dung chi này là nhiệm vụ của nhà nước khi mà các doanh nghiệp không mặn mà vì không sinh lời do là các công trình cộng đồng, xã hội.
Trước luồng ý kiến cho rằng, đến nay tiến trình cổ phần hóa vẫn còn được thực hiện chậm. Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2016, đã cổ phần hóa được hơn 40 doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa chậm nguyên nhân khách quan là do thị trường chứng khoán vốn chịu tác động từ thế giới cũng như khó khăn nội tại nên nhu cầu và dòng vốn hạn chế, không bán được như mong muốn. Song, quan trọng nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan, trong đó có việc các bộ ngành thực hiện chưa quyết liệt.
Tuy nhiên ông Tiến cũng cho rằng: Số lượng cổ phần hóa đến nay không còn nhiều, hầu hết tập trung vào các doanh nghiệp lớn, vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là chất lượng của việc cổ phần hóa và hiệu quả đổi mới quản trị doanh nghiệp sau quá trình này.
“Theo tôi, một số điểm quan trọng của công tác cổ phần hóa trong giai đoạn này là: sẽ tiến hành trước việc cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả đúng như Nghị quyết của Đảng. Việc này cần phải được triển khai hiệu quả để tìm được những nhà đầu tư, người mua phát huy được giá trị của vốn Nhà nước, thu về nhiều nhất có thể để tái đầu tư”. Ông Tiến cho biết.
Bên cạnh đó, trong quá trình cổ phần hóa, việc thận trọng, tránh làm bằng mọi giá, tránh thất thoát được đặt lên hàng đầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Với sự thận trọng đó, cơ quan quản lý cũng đang nhận thấy vấn đề định giá doanh nghiệp của các đơn vị tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, kiểm toán lại để xác định rõ giá trị doanh nghiệp và cũng nhằm đánh giá chất lượng của công ty tư vấn để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính chính xác trong hoạt động này. Giải pháp này sẽ tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư khi tiếp cận những thông tin về doanh nghiệp.
Về việc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán thì sẽ có chế tài xử phạt ra sao? Ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Theo quy định về việc niêm yết đã được khuyến khích thực hiện và là yêu cầu bắt buộc từ khi ban hành Quyết định số 51/2014, nhưng vẫn chưa có chế tài xử phạt. Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị và tới đây sẽ nghiên cứu để đưa ra chế tài xử phạt cụ thể với tình trạng này.
Trước mắt, đối với các doanh nghiệp chậm niêm yết đăng ký giao dịch, Chính phủ đã và đang chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu yêu cầu thực hiện đúng quy định, trừ trường hợp có những yếu tố khách quan chưa đủ điều kiện.
Trong bối cảnh chế tài xử phạt còn đang hoàn thiện, chưa có tính răn đe, cơ quan Nhà nước chỉ có thể đề nghị các doanh nghiệp gương mẫu thực hiện; đồng thời nhận thức đầy đủ rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán mới đảm bảo được sự công khai, minh bạch - một trong những mục tiêu mà việc nâng cao quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa hướng tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo