Tiền từ cổ phần hóa để làm gì?
“Không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên”
Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, trong 2 năm 2014- 2015, cả nước phải cổ phần hoá 432 DN. Lũy kế năm 2014 và 8 tháng năm 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 234 DN trong tổng số 432 DN, đạt 54% số lượng DN phải thực hiện cổ phần hóa.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 198 DN, trong đó 58 DN đã công bố giá trị DN, 109 DN đang thực hiện xác định giá trị DN, 31 DN đã thành lập Ban chỉ đạo, đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định giá trị DN. Như vậy có thể thấy quá trình cổ phần hóa DNNN đã được tái khởi động mạnh mẽ và đã đạt được một số kết quả khả quan mặc dù chưa được như kế hoạch đặt ra.
Kế hoạch năm 2015, cả nước phải cổ phần hóa 289 DN. Tính đến hết tháng 8 mới cổ phần hóa được 95 DNNN, đạt 32,8% kế hoạch cả năm. Tái cơ cấu DNNN được tiếp tục thực hiện trên hai hướng: Đẩy mạnh cổ phần hoá và đổi mới hệ thống quản trị DNNN.Về cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN, theo Bộ Tài chính, sẽ quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Theo đó, số tiền thu được từ bán cổ phần dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để Nhà nước tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên.
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và giao các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các cơ chế chính sách quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN. Theo đó, nguồn thu từ cổ phần hóa các công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty 100% vốn Nhà nước độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương được chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN được đặt tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nguồn thu từ cổ phần hóa các DN thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty.
Theo quy định, nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa tại các Quỹ nêu trên được tập trung: Hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi; bổ sung vốn điều lệ cho các DNNN; đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn Nhà nước đang tham gia tại các DN khác; đầu tư vào các dự án quan trọng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
Nguồn thu từ thoái vốn được thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính đối với DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, tiền thu từ thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, SCIC, công ty 100% vốn Nhà nước đầu tư vào các DN khác sau khi trừ đi giá trị vốn đầu tư ghi trên sổ sách kế toán, chi phí thoái vốn và thực hiện nghĩa vụ thuế (nếu có) được hạch toán và kết quả kinh doanh của DN.
Tiền thu từ việc bán bớt phần vốn Nhà nước tại các DN do các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước được chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN đặt tại SCIC.
Bù hụt thu là cần thiết
Mới đây, Chính phủ đã đề nghị sử dụng một phần tiền bán bớt cổ phần Nhà nước tại DN (khoảng 10.000 tỷ đồng) để xử lý hụt thu của ngân sách Trung ương năm 2015. Ngân sách Trung ương hụt thu có nguyên nhân khách quan do giá dầu và khí hụt lớn so với dự toán. Giá dầu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7USD/thùng, giảm trên 43USD/thùng so với giá tính dự toán), dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng. Đề xuất của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ.
Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan về vấn đề này, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, chủ trương bán một phần vốn Nhà nước đầu tư vào nền kinh tế, vào các DN là chủ trương lớn và đã được định hướng từ trước. Trong điều kiện hiện nay cùng với quá trình sắp xếp, đổi mới DN, đổi mới quản trị Nhà nước trong đó có việc bán, chuyển nhượng một phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN, việc này là cần thiết để đảm bảo thực hiện tập trung chức năng quản lý của Nhà nước. Những chức năng sản xuất kinh doanh nên giao lại cho các thành phần kinh tế. Chỉ những lĩnh vực các thành phần kinh tế tư nhân không làm được, để đảm bảo kinh tế phát triển, Nhà nước mới đầu tư.
“Do vậy việc bán một phần vốn Nhà nước trong các DN là một chủ trương đúng. Tuy nhiên bán như thế nào, trong thời điểm nào thì cần phải cân nhắc. Vì theo tôi nó phụ thuộc vào thị trường. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có những biến động bất thường, chưa thực sự phục hồi thì phải tính đến thời điểm bán phần vốn này cho hợp lý để tối đa hóa lợi ích của Nhà nước phù hợp với quy định”, ông Bùi Đức Thụ nói. Còn về hình thức, theo ông phần vốn góp của Nhà nước đã được kiểm toán hàng năm. Việc bán cổ phiếu được công khai trên thị trường chứng khoán, do vậy bằng hình thức bán công khai trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo là phù hợp.
Số tiền bán một phần vốn Nhà nước đầu tư vào các DN là nguồn thu của Nhà nước. Việc quản lý sử dụng thế nào đã có cơ chế hiện hành. Việc sử dụng, bố trí vào NSNN về nguyên tắc phải trình ra Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật NSNN. Nếu đầu tư vào các lĩnh vực khác thì theo quy định hiện hành, nguồn vốn này đã được phân cấp giao Chính phủ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án sử dụng nguồn tiền từ bán một phần vốn Nhà nước đầu tư tại các DN sử dụng 10.000 tỷ đồng bố trí vào ngân sách Trung ương, ông Bùi Đức Thụ cho biết: “NSNN của chúng ta năm nay hết sức khó khăn. Mặc dù tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách Trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng, điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối NSNN. Do vậy, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan này đã đề nghị Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối NSNN”.
Trước tình trạng đó buộc phải cắt giảm chi. Trong bối cảnh hiện tại, chi ngân sách của các cơ quan Trung ương bố trí dự toán ngặt nghèo và cũng buộc phải tiết kiệm lớn, nên việc cắt giảm cũng không thể thêm nữa. Để cân đối ngân sách địa phương và Trung ương cần phải thực hiện một loạt giải pháp, trong đó không làm bội chi tăng lên. “Một trong những giải pháp đó là dùng 10.000 tỷ đồng từ bán cổ phần Nhà nước trong các DN để cân đối ngân sách Trung ương trong năm 2015. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh kinh tế tài chính của chúng ta hiện nay. Đây là việc phải thực hiện”, ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh thêm.
Được biết, phương án xử lý mang tính thời điểm này sẽ được Quốc hội quyết định cho ý kiến. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
80% DNNN làm ăn có lãi “hậu” tái cơ cấu Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, tình hình sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011 - 2015 về cơ bản đã đạt được một số kết quả.
Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN có nhiều cải thiện; vốn chủ sở hữu tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu đạt 10 - 15%, nộp NSNN tăng 27%/năm, đóng góp khoảng 30% thu NSNN, 32% GDP. Trên 80% DNNN có lãi và 11,7% DN lỗ. Vốn chủ sở hữu năm 2012 tăng 26% so với năm 2011, năm 2013 tăng 4,1% so với năm 2012; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu so tương ứng là 16,37% (trong đó các tập đoàn, tổng công ty là 16,94%; năm 2013 là 15,4%). Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần (tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, năm 2013 là 1,58 lần), nằm trong giới hạn cho phép (3 lần). |
End of content
Không có tin nào tiếp theo