Tiếp tục "siết" cấp phép mở chi nhánh ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tháng 9/2013, cơ quan này đã ban hành Thông tư số 21/2013/TT-NHNN quy định các điều kiện chặt chẽ để cấp phép thành lập chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại, đảm bảo chỉ những ngân hàng thương mại thực sự có năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, hoạt động an toàn, hiệu quả mới được mở rộng địa bàn hoạt động.
Theo đó, một ngân hàng muốn thành lập chi nhánh, phòng giao dịch mới phải đảm bảo hoạt động có lãi; Tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng liên tục trong thời gian 12 tháng trước tháng đề nghị; thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%; đồng thời ngân hàng thương mại có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành.
Thông tư cũng quy định số lượng chi nhánh được thành lập trong một năm và số lượng phòng giao dịch được thành lập trên một địa bàn để nhằm đảm bảo việc mở rộng mạng lưới hoạt động phù hợp với quy mô hoạt động và khả năng quản trị điều hành của từng ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định điều kiện cao hơn và đồng thời giới hạn chặt chẽ hơn số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được thành lập tại các khu vực nội thành TP Hà Nội, TP. HCM nhằm định hướng cho các ngân hàng thương mại không tập trung mạng lưới quá nhiều vào các địa bàn này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và hoạt động không hiệu quả; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn...
Bên cạnh đó, để triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu, trong năm 2014, 2015, NHNN đã ban hành nhiều công văn yêu cầu công tác cấp phép mở rộng mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại phải gắn liền với kết quả thực hiện công tác xử lý nợ xấu và triển khai phương án tái cơ cấu của từng đơn vị.
Theo đó, NHNN chỉ thực hiện cấp phép mở rộng mạng lưới đối với các ngân hàng thương mại đảm bảo đủ hồ sơ và điều kiện theo quy định tại Thông tư số 21, được NHNN đánh giá là tại thời điểm xem xét, đơn vị này triển khai thực hiện tích cực, đạt yêu cầu phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt, phương án sáp nhập/hợp nhất theo chỉ đạo của NHNN và phải hoàn thành việc xử lý nợ xấu và kế hoạch bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước ngày 30/10.
Do đó, việc cấp phép phát triển mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại tập trung chủ yếu vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 và cuối năm 2015, đầu năm 2016 (sau thời điểm 30/10/2015) là thời điểm NHNN có kết quả đánh giá phương án tái cơ cấu và việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được cấp phép trong hai năm 2014 và 2015 có sự gia tăng so với năm 2013 phản ánh biểu hiện tích cực là nhiều ngân hàng thương mại đã đáp ứng các quy định chặt chẽ của Thông tư số 21 và các tiêu chí, điều kiện bổ sung của NHNN về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, công tác bán nợ cho VAMC.
Ngoài ra, phần lớn các phòng giao dịch được cấp phép trên cơ sở chuyển đổi quỹ tiết kiệm thành phòng giao dịch theo quy định tại Thông tư 21 (do năm 2015 là năm cuối cùng các ngân hàng phải hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi quỹ tiết kiệm theo quy định hiện hành). Chi nhánh, phòng giao dịch được cấp phép chủ yếu tại các địa bàn tỉnh ngoài TP Hà Nội và TP. HCM.
Việc tiếp tục mở rộng mạng lưới của Tổ chức tín dụng (TCTD) trong 2 năm qua đã gắn chặt với thực hiện Đề án tái cơ cấu, góp phần cơ cấu lại TCTD, nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng của TCTD và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc cấp phép mở rộng mạng lưới luôn luôn được NHNN xem xét thận trọng nhằm đảm bảo các ngân hàng thương mại hoạt động an toàn, hiệu quả, hỗ trợ thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống TCTD theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện cơ chế cấp phép mở rộng mạng lưới hoạt động một cách chặt chẽ và coi đây là một công cụ hỗ trợ hiệu quả công cuộc tái cơ cấu hệ thống TCTD Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo