Hỗ trợ doanh nghiệp

Tiết lộ lý do Thế Giới Di Động chấp nhận bù lỗ để đầu tư vào Bách Hóa Xanh

Nếu đóng cửa Bách Hóa Xanh, lợi nhuận của MWG tăng trưởng 30 - 40% chứ không phải chỉ 18% như kế hoạch nhưng năm nay công ty sẽ dành 300 - 400 tỷ đồng để bù mảng này.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đặt mục tiêu năm 2018 với doanh thu 86.390 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.603 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp phần lớn doanh thu sẽ là Điện máy Xanh (51,2%), Thegioididong.com (44,9%), còn lại Bách Hóa Xanh chiếm 3,9%.

Dù chỉ đóng góp 3,9% trong cơ cấu doanh thu năm 2018 nhưng như ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MWG từng nhìn nhận, Bách Hóa Xanh sẽ là mục tiêu tăng trưởng của MWG trong tương lai, khi thị trường điện thoại đã bão hòa và ngành điện máy đã mở rộng hết mức.

Chủ tịch MWG đánh giá ngành hàng bán lẻ tiêu dùng là thị trường 50 tỷ USD, trong đó dưới 30% thị phần đang được phục vụ bởi mô hình siêu thị lớn. Còn lại, trên 70% thị phần ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Mục tiêu của MWG mở Bách Hóa Xanh để xây dựng mô hình chợ hiện đại, quy mô nhỏ và có mặt ở mọi nơi để lấy đi 10% trong tổng số 70% thị phần kia.

Tuy nhiên, câu chuyện chưa hẳn đã đơn giản như thế!

Hai vấn đề của Bách Hóa Xanh

Theo kế hoạch phát triển, MWG sẽ huy động vốn từ 600 tỷ đồng lên tối đa 3.000 tỷ đồng phục vụ cho việc mở rộng Bách hóa Xanh trong năm 2018 từ các nguồn vốn tự có, lợi nhuận giữ lại và vốn vay trung – dài hạn. Ông Nguyễn Đức Tài nói 3.000 tỷ đồng là mức tăng vốn tối đa, MWG cần đến đâu tăng vốn tương ứng đến đó chứ không phải tăng vốn ngay lập tức.

Ông Trần Kinh Doanh, thành viên HĐQT MWG cho biết toàn bộ hàng hóa bán tại Bách Hóa Xanh được mua từ nhà cung cấp đưa về 2 trung tâm phân phối sau đó điều chuyển đến từng cửa hàng. Bách Hóa Xanh theo đuổi 5 giá trị: (1) mạng lưới bao phủ dày đặc, tạo sự thuận tiện; (2) thực phẩm chất lượng, tươi sống; (3) danh mục nhu yếu phẩm phong phú hơn tạp hóa; (4) không gian mua sắm hiện đại, tiện ích; (5) thái độ phục vụ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, Bách Hóa Xanh đang đối mặt với 2 vấn đề khó khăn cần giải quyết. Thứ nhất là hoàn thiện mọi công cụ quản lý và thứ hai là doanh thu trung bình của cửa hàng giảm khi mở rộng hệ thống. Làm rõ điều này, ông Doanh nói Bách Hóa Xanh hiện có khoảng 100 cửa hàng có doanh thu khoảng 400 - 500 triệu/tháng nhưng có những shop thấp hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này nhưng địa điểm đặt cửa hàng có thể là nguyên nhân chính, ví dụ ở vị trí khuất quá hoặc dân cư thưa thớt. Cả hai việc đều đang được xử lý và dự kiến tới tháng 6 sẽ cho câu trả lời.

Cũng theo ông Doanh, hiện tại Bách Hóa Xanh vẫn không bán hàng giá cao hơn siêu thị, hàng siêu thị đang bán cao hơn khoảng 15 - 20%. Hàng tươi sống ở Bách Hóa Xanh thậm chỉ bằng hoặc rẻ hơn ở chợ truyền thống. Trong tương lai, nếu khách hàng hài lòng với Bách Hóa Xanh thì có thể sẽ điều chỉnh giá.

Trong năm 2018, MWG phấn đấu mở 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh chủ yếu trong khu vực TP HCM. Vị trí đặt cửa hàng Bách Hóa Xanh cần đạt được mật độ dân cư, len lỏi trong đường nhỏ và có doanh thu. Mục tiêu tới hết tháng 6, Bách Hóa Xanh sẽ có thêm khoảng 200 cửa hàng, đưa tổng số lên 500.

Ông Robert Alan Willett, thành viên HĐQT, cựu Giám đốc Điều hành BestBuy International cho biết hoàn toàn tin tưởng vào những gì mà MWG đang theo đuổi. Kinh nghiệm quản lý chuỗi hơn 6.000 cửa hàng ở châu Âu, để có thể tăng lãi gộp lên 14 - 17% có thể kéo dài tới 7 năm nên sự thành công của Bách Hóa Xanh không phải là sự lựa chọn mà nó là con đường bắt buộc phải như thế. Những gì Bách Hóa Xanh đạt được trong thời gian vừa qua là sự thần kỳ, nỗ lực tuyệt vời và là kết quả đáng kinh ngạc.

Chấp nhận bù lỗ nhưng đầu tư có triển vọng

Ông Tài nhớ lại, MWG ra đời năm 2004, tới tháng 12/2010 - tức 6 năm sau, khi nhận thấy không còn ai có thể theo đuổi phía sau trong ngành hàng điện thoại, ban lãnh đạo quyết định mở chuỗi điện máy. Từ năm 2010 đến cuối năm 2014, chuỗi điện máy không chiếm được nhiều thị phần, chỉ bằng 1/6 của "người anh cả" trong ngành (12 - 13% thị phần). Mất 4 năm lấn sân vào ngành và "chưa là gì cả", nhưng đến 2015, Điện máy Xanh bắt đầu tăng tốc và 2017 thì về đích. Chưa đầy 3 năm, Điện máy Xanh vươn lên chiếm 30% thị phần, gấp 3 lần "người anh cả" trước đó.

Nhìn lại quá trình phát triển Điện máy Xanh, ông Tài cho rằng với chuỗi Bách Hóa Xanh, việc quản trị cửa hàng không quá khó nhưng đây là một ngành hàng phức tạp về mặt sản phẩm, mọi thứ đều có hạn sử dụng, không giống điện thoại, điện máy. Về việc quản trị, lấy mặt bằng của cửa hàng Bách Hóa Xanh dễ hơn nhiều so với Thegioididong.com hay Điện máy Xanh.

Vị Chủ tịch thừa nhận với hai chuỗi bán lẻ trước, muốn lấy mặt bằng phải "đấu đá, phải di dời ai đó". Tất nhiên, MWG có cam kết không di dời đối thủ nhưng MWG không ngần ngại di dời một cửa hàng bán đồ ăn nhanh hay thời trang để giành mặt bằng. Để mở một cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng thuận lợi hơn nhiều, đi vào đường nhỏ, lấy những nhà đang ở và chuyển đổi.

Ông Tài khẳng định MWG đã mất 2 năm để tìm hiểu, nghiên cứu và suy nghĩ, thời gian xây dựng tiếp theo có thể mất thêm 1 - 2 năm nhưng chắc chắn về đích. Bách Hóa Xanh lấy khách hàng làm trung tâm và thước đo cho sự phát triển. Đối với một nhà bán lẻ, ông Tài tự tin chỉ cần có khách hàng thì trước sau gì cũng sẽ thành công.

Ông lấy ví dụ có nhiều nhà bán lẻ trên thế giới, xây dựng hệ thống và nhiều năm không có lãi, nhưng doanh thu tăng lên hàng năm, khách hàng ngày một đông hơn thì trước sau gì cũng sẽ thành công. Vấn đề của Bách Hóa Xanh là kiểm soát nguồn hàng, xây dựng hệ thống để từ khách hàng chuyển đổi thành hiệu quả. Nỗ lực xây dựng hệ thống có thể kéo dài 6 tháng đến 1 năm, có thể là hai năm nhưng Bách Hóa Xanh ở trạng thái thị trường vẫn còn nhiều dư địa phát triển, chưa có nhiều người chơi lớn chuyên nghiệp chiếm lĩnh và MWG có năng lực mở rộng để phục vụ khách hàng.

Ông Tài nói nếu ngay lập tức đóng cửa Bách Hóa Xanh thì lợi nhuận của MWG tăng trưởng 30 - 40% chứ không phải chỉ 18% như kế hoạch nhưng năm nay phải dành 300 - 400 tỷ đồng để bù. Con số tăng trưởng 18% là một sự thần kỳ khi các doanh nghiệp bán lẻ khác trên thế giới, khi mở chuỗi thì có thể lợi nhuận giảm 50% hoặc biến mất.

"Mọi thứ cần được xây dựng và có thời gian" là lời nhắn nhủ của Chủ tịch MWG đến các cổ đông đang sốt ruột khi nhìn tốc độ tăng trưởng của MWG đang chậm lại.

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo