Tìm giải pháp gỡ khó cho ngành Cơ khí
Các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thu xếp nguồn tín dụng ưu đãi cho các dự án cơ khí trọng điểm hay việc chỉ định thầu và giao thầu sản phẩm cơ khí trọng điểm theo quy định.
Đặc biệt là vướng mắc trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước đối với các gói thầu và dự án có sử dụng vốn Nhà nước từ 30% trở lên.
Đây là nội dung được các doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo Tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho các dự án Cơ khí trọng điểm diễn ra hôm nay (18/12), tại Hà Nội.
DN cơ khí bí đầu ra
Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí, giá trị sản xuất công nghiệp ngành Cơ khí những năm gần đây đã có mức tăng trưởng đáng kể. Ví dụ như năm 2013 đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp; giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006. Những kết quả đạt được của ngành Cơ khí đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng hiện có của các doanh nghiệp cơ khí và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước; cụ thể năm 2013, ngành Cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương và các doanh nghiệp cơ khí xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo hướng lựa chọn các sản phẩm cơ khí trọng điểm cụ thể trong giai đoạn 2014-2020, tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí phục vụ nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, trang thiết bị y tế, thiết bị điện và thiết bị đồng bộ, đảm bảo mục tiêu phát triển ngành cơ khí Việt Nam nhanh, ổn định và bền vững, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí, khó khăn lớn nhất kìm hãm sự phát triển của công nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay là các cấp, các ngành quản lý Nhà nước chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp cơ khí đối với đất nước. Đầu tư cho công nghiệp cơ khí cần vốn lớn, khả năng sinh lời chưa cao, trong khi nền tài chính quốc gia lại eo hẹp. Song điều quan trọng là xây dựng ngành công nghiệp cơ khí chính là xây dựng cơ sở hạ tầng của toàn bộ ngành công nghiệp. Điều đáng bức xúc là chúng ta bỏ ra hàng chục tỷ USD để đầu tư vào bất động sản, nhưng ngành công nghiệp cơ khí chỉ nhận được đầu tư không quá 0,3 tỷ USD.
Kinh tế Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường chưa hoàn chỉnh, trong khi WTO với hệ thống luật chơi có lợi cho các quốc gia công nghiệp giàu mạnh, luôn bảo vệ thị trường trong nước và các nước nhỏ yếu càng bị chèn ép khi tham gia cuộc chơi này. Thực chất là doanh nghiệp Việt Nam không có công cụ để bảo vệ thị trường, mặt khác, doanh nghiệp cơ khí cần đầu ra để tồn tại và phát triển. Nếu không có các chính sách tạo đầu ra, kích cầu thì cơ khí Việt Nam không tồn tại được.
Bắt buộc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Nhằm phát triển lĩnh vực cơ khí của Việt Nam, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều quy chế chính sách trong đó đặc biệt là 2 chương trình Cơ khí trọng điểm và Thí điểm nội địa hóa thiết kế chế tạo các sản phẩm của nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các quy chế trên vẫn chưa đi vào thực tế.
Theo ông Ryu Hang Ha, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina), các chủ trương, chính sách ưu đãi hỗ của Chính phủ để nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp nặng là hết sức đúng đắn thông qua chương trình cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, việc triển khai, thực thi các chính sách này chưa nhất quán, thiếu cơ chế giám sát, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và các bộ, ban ngành cũng như các chủ đầu tư, các cơ quan liên quan như hải quan, thuế… nên việc áp dụng hết sức khó khăn.
Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước chấn hưng nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành cơ khí, đại diện Doosan Vina cho rằng khi cấp phép cho các dự án nhiệt điện, lọc hóa dầu, xử lý hóa chất… nên đưa ra các điều khoản mang tính nghĩa vụ bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa phần nguyên vật tư chính và phần xây dựng hoặc các doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn khi tham gia đấu thầu sẽ được áp dụng điểm ưu tiên. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu và khả năng trúng thầu được cao hơn.
Bên cạnh đó, theo quy định của chương trình các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước sản xuất được phải được giao thầu trong nước hoặc chỉ định thầu ký hợp đồng với các nhà cung cấp trong nước về phần sản phẩm đó. Nếu được, Chính phủ nên có chế tài bắt buộc và có cơ chế giám sát để các chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc việc áp dụng các cơ chế chính sách đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm, các dự án điện, lọc hóa dầu, hóa chất… tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án, phát huy năng lực, thúc đẩy ngành Cơ khí phát triển một cách nhanh chóng.
Theo ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí (Shipyard), cần điều chỉnh lại chính sách thuế hợp lý hơn để khuyến khích khách hàng trong nước sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước. Các chính sách về thuế cho sản phẩm cơ khí trọng điểm cần phải đồng bộ hơn với các chính sách thuế hiện hành. Trong đó, thuế nhà thầu phụ đối với sản phẩm và dịch vụ đi kèm sản phẩm mà nội địa chưa làm được cần phải được xem xét miễn giảm theo lộ trình.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo