68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022): Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam
Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân bị tai nạn hy hữu / Thông cáo báo chí ngày làm việc thứ 3 Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII
Điện Biên Phủ - vị trí chiến lược quan trọng
Điện Biên Phủ là một thung lung lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có chiều dài khoảng 20 km, rộng từ 6-8 km; cách Hà Nội khoảng 200 km, cách Luang Prabang (Lào) khoảng 190km theo đường chim bay. Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc”. "Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc". Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của ta.
Đánh giá Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tính đến tháng 3/1954, tại Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Sau này trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm 4 tiểu đoàn, 2 đại đội lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài ra còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện của không quân Mỹ.
Về phía ta, việc quân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ không làm đảo lộn kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngay cả trên hướng Tây Bắc. Trên các hướng đã được xác định, khối chủ lực vẫn mở các cuộc tiến công đúng như kế hoạch gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và bị động đối phó. Tại Hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 diễn ra cùng thời điểm quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, “địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta. Vô luận rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”.
Các đòn tiến công chiến lược quan trọng của ta trong Đông Xuân 1953-1954 đã buộc khối cơ động của địch phải phân tán đối phó trên nhiều hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 quân. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Trên 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch... Đến đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, đến chiều ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!
Khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, trước việc “Việt Minh” có đủ lương thực và vũ khí để chiến đấu liên tục trong suốt gần hai tháng trên địa bàn hiểm trở, xa hậu cứ trước việc xuất hiện của trọng pháo trên trận địa đỉnh núi…
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Cho đến nay, thế giới vẫn đặt câu hỏi vì sao một đất nước nhỏ bé và lạc hậu, vừa thoát ra khỏi ách thực dân gần 100 năm lại có thể đánh thắng hai cường quốc là Pháp và Mỹ, tại sao Pháp lại thua. Ph.Leclerc, một Đại tướng giỏi của quân đội Pháp, cũng đã nói một cách cô đọng và rõ ràng bài học thất bại của Pháp rằng: “người ta không thể nào dùng sức mạnh để phá tan chủ nghĩa dân tộc Việt Nam”.
Mc.Namara - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc”, “chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó…”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự cộng hưởng của sức mạnh dân tộc và thời đại, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh Việt Nam, bản sắc văn hóa giữ nước Việt Nam mà nền tảng là lòng yêu nước; các nhân tố đó tiếp tục là sức mạnh bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo