Bé trai sơ sinh nguy kịch vì bà tự cắt rốn tại nhà
Cắt rốn bằng dao lam, bé sơ sinh nhiễm trùng uốn ván nguy kịch / Bé trai sơ sinh còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi ven đường
Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng mới tiếp nhận bé trai Dương Minh Q. trú tại xã Lương Thông, huyện Hà Quảng nhập viện do bị uốn ván rất nặng.
Gia đình cho biết, mẹ bé không khám thai định kỳ, khi sinh được bà cắt rốn tại nhà bằng thanh nứa. Sau sinh 3 ngày, bé bỏ bú, thở yếu, co giật liên tục, nhạy cảm với kích thích. Lúc này gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cấp cứu.
Theo các bác sĩ, trẻ nhập viện với các dấu hiệu điển hình của uốn ván rốn sơ sinh. Suốt 1 tuần qua, trẻ đang được điều trị tích cực tại khoa Nhi nhưng vẫn phải thở máy, dùng thuốc chống co giật, kháng sinh chống nhiễm trùng và truyền dịch nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch.
Cháu bé vẫn đang trong tình trạng nặng dù được điều trị tích cực suốt 1 tuần qua
BS Nguyễn Thị Lới, Trưởng khoa Nhi cho biết, từ đầu năm tới nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 6 em bé bị suy hô hấp do uốn ván rốn sơ sinh. Trong đó, đa phần là các trường hợp tự sinh con tại nhà, dùng những dụng cụ không được diệt khuẩn như: Dao, tre, nứa, sợi chỉ, thậm chí là sợi thừng để cắt, thắt rốn trẻ sơ sinh.
Uốn ván rốn sơ sinh từ lâu đã được biết là bệnh rất nguy hiểm cho hệ thần kinh trung ương của trẻ. Bệnh do trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập qua rốn.
Uốn ván rốn sơ sinh có thể gây tử vong lên đến 80%. Dù trẻ có sống sót cũng có thể mang di chứng thần kinh, tâm thần suốt đời.
Uốn ván ủ bệnh từ 4-15 ngày, trung bình là 7 ngày, nếu thời gian ủ bệnh càng ngắn, bệnh càng nặng. Ở giai đoạn khởi phát, trẻ thường quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím lại, trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc. Lúc này nếu đè lưỡi ấn xuống thì thấy phản ứng lại đó là dấu hiệu cứng hàm (trismus). Thời kỳ khởi phát này nhanh chóng chuyển sang thời kỳ toàn phát (từ vài giờ đến một ngày).
Ở thời kỳ toàn phát, cứng hàm càng rõ, xuất hiện thêm co giật và co cứng. Giai đoạn này trẻ có sốt cao từ 38-41 độ C. Trẻ hay bị táo bón, rốn thường rụng sớm (100%) và nhiễm khuẩn, có thể rốn ướt, có mủ hay thối.
Sau khi qua được tuần thứ hai, thứ 3, trẻ sẽ có tiến triển tốt dần, bước vào thời kỳ lui bệnh. Khi đó các cơn co giật, co cứng giảm dần và bệnh nhi bắt đầu mở mắt, khóc được. Trong thời gian này vẫn còn tăng trương lực, sau đó vài ngày bệnh nhi có thể bú mẹ được. Tuy nhiên phải từ 1,5-2 tháng thì trương lực cơ mới trở lại bình thường.
Bác sĩ cho biết, bệnh uốn ván sơ sinh hoàn toàn có thể dự phòng bằng cách phụ nữ mang thai nên khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván đầy đủ và nên sinh tại các cơ sở y tế để được chăm sóc tốt nhất.
Nếu trẻ đẻ trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn, đẻ rơi và người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván trong lúc mang thai, cần tiêm phòng uốn ván với SAT 1.500 đơn vị, tiêm bắp một lần sau đẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước