DNVN – Kiểm tra một số cánh đồng lúa bị ngập úng, đổ ngã do mưa lớn trong những ngày qua, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, là “cứu cánh” của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội.
Trước tình trạng nhiều diện tích lúa bị ngập úng, đổ ngã do mưa lớn trong những ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa đi thăm, kiểm tra để động viên bà con nông dân và chỉ đạo phương án khắc phục.
Ông Thọ cùng đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra diện tích lúa bị ngập úng, đổ ngã tại các xã Quảng Thái, Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) và Điền Lộc, Phong Chương (huyện Phong Điền). Đây là hai huyện có diện tích lúa bị thiệt hại tương đối lớn với 1.990ha ở Phong Điền và 1.496ha ở Quảng Điền.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh đã gieo cấy khoảng 28.667 ha lúa. Đến nay lúa trổ - chín khoảng 28.157 ha, diện tích thu hoạch khoảng 50ha.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn trên diện rộng vào chiều 12-13/4/2020 đã làm cho 4.156 ha lúa bị ngập từ 0,15-0,2m. Tổng diện tích lúa bị ngã đổ 10.769ha.
Với phương châm “còn nước, còn tát”, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tập trung vận động, hỗ trợ người dân cứu các diện tích lúa bị thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa giai đoạn trổ chín đến đỏ đuôi, có tỷ lệ hạt chín trên bông lớn hơn 85% tiến hành thu hoạch sớm, với phương châm xanh nhà hơn già đồng để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Đối với diện tích lúa giai đoạn trổ chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín. Đối với lúa làm đòng chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.
Sau khi thực địa, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, là “cứu cánh” của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời giải quyết một lượng lớn công nhân thất nghiệp từ thành thị trở về nông thôn.
“Các địa phương và ngành Nông nghiệp cần khẩn trương đánh giá, rà soát và triển khai ngay các giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khẩn trương giúp dân gặt lúa, tổ chức tiêu úng cứu lúa và nghiên cứu giống lúa thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cho mùa sau”, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu.
Về lâu dài, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng các lĩnh vực có lợi thế so sánh; cùng với việc khắc phục khó khăn, tập trung thúc đẩy sản xuất, chuyển đổi hình thức kinh doanh ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hậu dịch Covid-19 triển khai đẩy mạnh sản xuất, tạo hàng hóa.
“Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con nông dân, đặc biệt là những hộ khó khăn, hộ nghèo, các địa phương cần triển khai ngay các giải pháp để hỗ trợ cho bà con, đặc biệt là thực hiện chi trả sớm gói hỗ trợ an sinh xã hội để người dân sớm vượt qua khó khăn”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
Viên Hữu