Tin tức - Sự kiện

Vinasun kiện Grab: Căn cứ thiệt hại hơn 41 tỷ đồng của Vinasun là mơ hồ?

(DNVN) - Sau hơn 2 giờ cho các bên tranh luận, phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab lại bị tạm dừng và sẽ tiếp tục vào 14h chiều mai (23/11).

Vinasun kiện Grab: Grab nói gì về việc lỗ gần 1.700 tỉ đồng? / “Đại chiến” Vinasun - Grab: Vinasun chưa cung cấp đủ chứng cứ khởi kiện

Sáng nay (22/11), Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.

Mở đầu phiên tòa, chủ tọa phiên tòa cho biết, sau khi tạm ngừng phiên tòa, HĐXX đã có văn bản yêu cầu Công ty giám định Cửu Long giải thích kết quả giám định thiệt hại của Vinasun trong thời gian từ tháng 1/2016 đến 2017 là do hoạt động của Grab gây ra.

Đại diện Vinasun tại phiên tòa sáng 22/11 (Ảnh: ĐL)

Đại diện Vinasun tại phiên tòa sáng 22/11 (Ảnh: ĐL)

HĐXX cho biết, trong kết quả trả lời của Công ty Cửu Long đã dựa vào các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, các báo cáo này cho thấy trong khi điểm số chứng khoán của TP.HCM là hơn 500 điểm, trong đó cổ phiếu của Vinasun là 21.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó điểm số chứng khoán của TP.HCM tăng hơn 700 điểm, nhưng cổ phiếu của Vinasun lại giảm mạnh chỉ còn 14.000 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân lợi nhuận của Vinasun giảm là do Vinasun phải tăng chiết khấu để giữ chân tài xế đòi nghỉ để sang làm việc cho Grab, Uber.

Trước báo cáo của Công ty Cửu Long, phía Vinasun hoàn toàn đồng ý. Ngoài ra, tại phiên tòa, phía Vinasun đã đưa ra nhiều lập luận như số xe nằm bãi, số tài xế nghỉ việc... và cho rằng đó là những căn cứ để chứng minh cho thiệt hại của mình bởi hành vi "cạnh tranh không lành mạnh" của Grab.

Theo đại diện Grab, Công ty Cửu Long dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán nhưng các số liệu cũng như thông tin lại không chính xác

Phía Grab cho rằng, Công ty Cửu Long dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán nhưng các số liệu cũng như thông tin lại không chính xác (Ảnh: ĐL)

 

Tuy nhiên, phía Grab thì ngược lại. Theo đại diện Grab, Công ty Cửu Long dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán nhưng các số liệu cũng như thông tin lại không chính xác. Đại diện Grab cho rằng, mục đích báo cáo viết ra để phục vụ đối tác, khách hàng chứng khoán.

"Những căn cứ để đưa ra con số hơn 41 tỉ đồng là mơ hồ và có nhiều sai sót dù đã được bổ sung bằng khuyến cáo của 3 Cty chứng khoán về tình hình giá cổ phiếu của Vinasun", đại diện Grab cho biết.

Phía Grab cho rằng bản giám định của Công ty Cửu Long là hời hợt, không trả lời vào trọng tâm câu hỏi của tòa là chỉ ra căn cứ cho thấy hoạt động của Grab gây thiệt hại cho Vinasun.

HĐXX hội ý tại chỗ. Đến 14h chiều mai (23/11), phiên tòa sẽ lại tiếp tục.

HĐXX cho biết, đến 14h chiều mai (23/11), phiên tòa sẽ lại tiếp tục (Ảnh: ĐL)

 

Phản bác lại ý kiến của phía Grab, Vinasun cho rằng kết luận giám định là có cơ sở đã trải qua quá trình nghiên cứu, phân tích dài. Các số liệu trên là một trong những cơ sở chứng minh thiệt hại của Vinasun chứ không phải là căn cứ duy nhất.

Sau khi nghe hai bên trình bày quan điểm, đưa ra các lập luận, chứng cứ của mình, hơn 10h30, chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa để HĐXX hội ý tại chỗ. Đến 14h chiều mai (23/11), phiên tòa sẽ lại tiếp tục.

Trước đó, phiên tòa này xét xử nhiều ngày, cho đến chiều ngày 29/10 thì Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tạm ngưng để HĐXX xác minh thu thập chứng cứ liên quan tới giám định nhằm làm rõ vụ án, từ đó HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa, đến sáng 22/11 thì xử trở lại.

 

Nội dung vụ kiện thể hiện, theo nguyên đơn, các tài liệu kiểm toán thể hiện, lợi nhuận năm 2016, quý I và II/2017 của Vinasun bị mất là 75 tỷ đồng. Theo VinaSun, nguyên nhân lợi nhuận của họ thấp vì trong một văn bản của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, tính đến tháng 6/2017, GrabTaxi đăng ký 12.913 xe, chiếm 54,25% (Uber có 10.887 xe, chiếm 45,75%), số tiền trên 41 tỷ đồng là khoản thiệt hại mà VinaSun gánh chịu.

Ngoài ra, theo VinaSun, do GrabTaxi lợi dụng “Đề án 24” của Bộ GTVT để thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Vinasun, vì vậy nguyên đơn yêu cầu Tòa tuyên buộc GrabTaxi bồi thường thiệt hại.

Nếu tính cả thời gian thụ lý vụ án, đến nay đã là gần 1 năm rưỡi. Trong đó, các bên đã phải 4 lần ra tòa trong năm nay nhưng kết cục vẫn chưa thể ngả ngũ bởi những tranh cãi dai dẳng như: Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay kết nối công nghệ? Vinasun có thực sự bị thiệt hại 41,2 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh của Grab hay không?

Trong lần xét xử trước đó, tòa án đã phải tạm hoãn để thu thập thêm tài liệu từ công ty giám định. Hội đồng xét xử nhận định, thiệt hại của Vinasun có thể có nhưng để chứng minh rất khó bởi điều này bị ảnh hưởng từ yếu tố chủ quan của doanh nghiệp và cả khách quan của thị trường. "Người thắng cuộc" - thực sự vẫn là một ẩn số.


Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm