Hỗ trợ doanh nghiệp

'Đại chiến' Vinasun - Grab: Viện Kiểm sát đề nghị Grab bồi thường 41,2 tỉ đồng cho Vinasun

(DNVN) - Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, đồng thời buộc Grab phải bối thường với số tiền hơn 41,2 tỉ đồng.

Vinasun kiện Grab: Grab nói gì về việc lỗ gần 1.700 tỉ đồng? / “Đại chiến” Vinasun - Grab: Vinasun chưa cung cấp đủ chứng cứ khởi kiện


Chiều nay 23/10, sau bốn ngày xét hỏi và tranh luận, phiên tòa xử vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỉ đồng, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Các bên nghe đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án chiều 23/10 (Ảnh: ĐL)

Các bên nghe đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án chiều ngày 23/10 (Ảnh: ĐL)

Theo đại diện VKS, việc Grab yêu cầu đưa Bộ GTVT tham gia tố tụng là không cần thiết vì đề án thí điểm không thuộc đối tượng khởi kiện. Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án này nên việc bị đơn (Grab - PV) cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền cùa tòa, chỉ là khiếu kiện hành chính là không phù hợp. Do đó điều này thuộc thẩm quyền của tòa.

 

Theo đại diện VKS, về pháp lý, giấy phép đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải. Mặc dù theo Đề án 24, Grab chỉ cung cấp nền tảng kết nối. Grab đã lợi dụng đề án thí điểm để hoạt động ngành nghề kinh doanh vận tải cùng ngành nghề của Vinasun. Ngoài ra, Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có những chuyến xe 0 đồng.

Đại diện Grab (Ảnh: ĐL)

Đại diện Grab (Ảnh: ĐL)

Từ những hồ sơ vụ kiện, VKS cho rằng Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng Đề án 24, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực nên yêu cầu của Vinasun khởi kiện Grab yêu cầu bồi thường thiệt hại là có cơ sở.

 

VKS cũng cho rằng những kết quả giám định thiệt hại của Vinasun do hoạt động kinh doanh vi phạm của Grab gây ra là phù hợp. Do đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỉ đồng.

Đại diện Vinasun (Ảnh: ĐL)

Đại diện Vinasun (Ảnh: ĐL)

Trước thông tin trên, ông Jerry Lim - đại diện Grab cho rằng khá thất vọng về nhận định của đại diện VKS. Theo ông Lim, những kết luận giám định không đủ cơ sở, thiếu khách quan... lại được phía VKS chấp nhận xem là cơ sở yêu cầu Grab bồi thường là không thuyết phục.

"Nếu cơ quan tư pháp Việt Nam phán quyết như những căn cứ, nhận định mà VKS đưa ra thì sẽ không đủ thuyết phục", ông Jerry Lim nhận định.

 

Tuy nhiên, đại diện Grab vẫn hy vọng vào phán quyết cuối cùng của tòa án vào ngày 29/10 tới. "Việc tòa án phán quyết chúng tôi nghĩ không phải chỉ cho riêng cá nhân, doanh nghiệp vận tải nào, mà là vì một nền pháp luật nghiêm minh, vì quyền lợi của cộng đồng người Việt Nam. Dù kết quả có như thế nào, chung tôi vẫn cam kết vì toàn thể người dân Việt Nam mà phục vụ ngày càng tốt hơn", ông Lim nói.

Xét thấy vụ án phức tạp cần có thời gian nghị án, HĐXX quyết định tuyên án vào 14g ngày 29/10.

Vụ kiện được khởi phát tháng 6 năm 2018. Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.

 

Vinasun cung cấp cho tòa nhiều văn bản, hình ảnh và hàng chục video... được cho là "chứng cứ Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam". Vinasun chỉ ra, theo Đề án 24, Grab khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hãng taxi công nghệ này đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm....

Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận nên Vinasun đề nghị tòa buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.

Ngược lại, về phần Grab, đơn vị này khẳng định cung cấp dịch vụ công nghệ cho công ty taxi chứ không kinh doanh vận tải. Grab cho biết mục tiêu kinh doanh nhắm đến việc cung cấp dịch vụ về công nghệ để hỗ trợ xã hội và người dân, hướng đến nền công nghệ 4.0. Grab tin tưởng về lâu dài sẽ tạo ra lợi nhuận.

Grab cũng yêu cầu tòa triệu tập các đối tác sử dụng phần mềm trong Đề án 24, đại diện Bộ GTVT, để làm rõ một số vấn đề liên quan đến đề án; hai công ty mà Vinasun đã thuê để nghiên cứu thị trường làm cơ sở đưa ra yêu cầu khởi kiện; đại diện Công ty Cửu Long.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm