Hỗ trợ doanh nghiệp

Cuộc chiến Vinasun-Grab: Phán quyết cuối cùng thuộc về khách hàng

(DNVN)- Ngày mai (29/10), Tòa án Kinh tế (TAND TPHCM) tuyên án, liệu hãng taxi Vinasun có thắng trong vụ kiện khá hy hữu, đòi hãng taxi công nghệ Grab bồi thường ngoài hợp đồng 41,2 tỷ đồng. Thắng hay thua không quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp.

Thương vụ Grab "thâu tóm" Uber: Khả năng dùng Luật mới để xử? / Thái độ với Grab và Uber: Singapore ủng hộ ngầm, Thái Lan lo ngại, Indonesia áp giá sàn


Kẻ tám lạng, người nửa cân

Cộng đồng quan quan tâm đến vụ kiện này, với nhiều luồng ý kiến tranh luận. Dù “ai thắng, ai thua” trên cán cân pháp luật, nhưng sự tồn vong của doanh nghiệp lại phụ thuộc vào phán quyết của khách hàng, chứ không phải phán quyết của tòa.



Chiều 23/10, phiên tòa xét xử vụ hãng taxi truyền thống Vinasun kiện hãng taxi công nghệ Grab, bồi thường ngoài hợp đồng 41,2 tỷ đồng đã kết thúc chuỗi ngày tranh tụng theo lý lẽ “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Ghi nhận, lần đầu tiên Vinasun- một doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc khởi kiện, khi thấy quyền lợi của mình bị vi phạm. Đây là cách hành xử văn minh trong kinh doanh.

Hàng trăm hãng xe taxi truyền thống đang kinh doanh. Vậy tại sao chỉ một mình Vinasun bị thiệt hại, buộc phải khởi kiện? Các hãng taxi khác lại chọn sự im lặng?

Trong khi đại diện Vinasun “nhất nhất” là Grab vi phạm Đề án 24; Grab là hãng taxi vận tải núp bóng đề án. Vinasun đòi hỏi phải có sự cạnh tranh công bằng…

Còn đại diện Grab thì quả quyết không vi phạm Đề án 24. Nếu vi phạm thì Bộ GTVT đã tuýt còi.

Trước những cáo buộc của Vinasun, đại diện Grab đưa ra đề nghị, yêu cầu tòa triệu tập bổ sung những cơ quan có liên quan đến quyền lơi và nghĩa vụ, để làm rõ những cáo buộc của Vinasun.

Cụ thể, Bộ Giao thông- Vận tải ( là cơ quan có thẩm quyền trả lời việc Grab có vi phạm Đề án 24 của bộ hay không); đại diện những doanh nghiệp cùng thí điểm thực hiện Đề án 24; đại diện hai công ty mà Viasun đã thuê nghiên cứu để làm cơ sở đòi bồi thường thiệt hại. Và đặc biệt là Công ty Cửu Long- đơn vị giám định thiệt hại của Vinasun được tòa chỉ định.

“Cán cân” nghiêng về Vinasun

Yêu cầu của Grab là hoàn toàn đúng. Vì nếu Grab vi phạm Đề án 24 thì Bộ GTVT là cơ quan kết luận chuẩn xác nhất. Đơn vị giám định vắng mặt, ai sẽ trả lời những câu hỏi của bị đơn ( Grab) với những kết luận mà công ty giám định nêu ra.



Đại diện Grab cho rằng, đại diện Công ty giám định Cửu Long không thể không có mặt tại tòa. Sự có mặt của Công ty Cửu Long sẽ làm rõ được những câu hỏi của Grab mà cần Công ty Cửu Long làm sáng tỏ. Nếu vắng mặt sẽ gây khó khăn cho việc xác định chứng thư giám định của Công ty Cửu Long, gây khó khăn trong việc tranh tụng, biện hộ và bảo vệ quyền lợi của Grab tại tòa.

Những tưởng, với đề nghị trên của Grab thì đẩy Vinasun vào thế cầm dao đằng lưỡi.

Ai ngờ, Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của Grab.

Chiều ngày 23/10, kết thúc phần tranh tụng. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân THCM nêu quan điểm: Chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng và phải bồi thường một lần, về thiệt hại phát sinh do các hành vi vi phạm của Grab gây ra.

Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng nhận định rằng Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Câu hỏi mà dư luận đặt ra,vì sao những đề nghị của Grab, triệu tập những đơn vị, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tòa lại không được Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp thuận.

Grab có vi phạm, lợi dụng đề án 24 hay không thì chỉ có Bộ GTVT mới có thẩm quyền kết luận. Vì Đề án 24 vẫn đang có hiệu lực. Không triệu tập đại diện Bộ GTVT đến tòa, HĐXX cũng cần có văn bản xin ý kiến từ Bộ GTVT.

Lý giải vì sao HĐXX không triệu tập đại diện Bộ GTVT theo như đề nghị của Grab, đại diện Viện KSND nói rằng: Trong vụ án này, nguyên đơn (Vinasun) chứng minh bị đơn (Grab) có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho nguyên đơn, chứ không phải Đề án 24 gây thiệt hại cho nguyên đơn, nên Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện, nên không cần đưa Bộ GTVT vào tham gia tố tụng.

Đồng thời không cần thiết phải tiến hành giám định lại thiệt hại như yêu cầu của bị đơn

Nhận định tại phiên tòa của đại diện Viện KSND TPHCM lại làm dư luận dậy sóng.

Rõ ràng Grab đang thí điểm thực hiện Đề án 24. Sai hay không thì thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

Để kết luận Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi thì Bộ GTVT phải tổng kết Đề án 24, có hàng lang pháp lý để những doanh nghiệp “công nghệ” như Grab tuân thủ, tạo sân chơi công bằng trong kinh doanh.

Khách hàng là người quyết định

Nếu Vinasun thắng trong vụ kiện này, số tiền 42,1 tỉ đồng cũng khó có thể để Vinasun “vực dậy”, giành lại thị phần như thời điểm chỉ có duy nhất taxi truyền thống.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của taxi công nghệ, Vinasun và các hãng taxi truyền thống cũng đã phải “thay da đổi thịt” để phù hợp với thời đại 4.0. Đó là lẽ tất yếu.

Rõ ràng, sự gia nhập của taxi công nghệ cũng đã giúp các hãng taxi truyền thống phải tự đổi mới, phải tự tìm hướng đi, chứ không thể cứ “một mình một chợ”.

Ba hãng taxi truyền thống cũng đã sớm nhận ra, nếu không đổi mới thì sẽ chết chìm. Đó là sự hợp nhất của hãng taxi : Thành Công, Sao Hà Nội và Ba Sao đã “liên minh” thành G7 taxi.



“Đáp số” hợp nhất sẽ giải được bài toán của nền kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún.

“…Nếu không thừa nhận Grab là một mô hình mới để hoàn thiện khung pháp lý quả lý, thì mọi giải pháp quản lý hiện có, chỉ có thể dẫn đến một trong hai kịch bản: Một là chia tay, hai là bất lực

Cách mạng 4.0 hay không, việc đầu tiên bắt đầu từ chính sách đủ giá trị tạo lập và quản lý, chứ không phải là những lời hô hào, sáo rỗng của những chính khách hay những doanh nhân già tụt hậu…”, nhà báo Lê Hồng Kỹ chia sẻ.

41,2 tỷ đồng không phải là yếu tố tiên quyết để vực dậy hay khai tử một doanh nghiệp. Khách hàng mới chính là người quyết định.

Huyền Lê
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm