"Bùng nợ" vay tiêu dùng, công ty tài chính liêu xiêu ôm nợ xấu
Hợp long cây cầu hơn 5000 tỷ đồng nối Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh / Khởi công cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng, trị giá hơn 8.000 tỷ đồng
Nhân viên đi đòi nợ, bị đuổi đánh bởi chính những người đi vay. Một tình huống nghe có vẻ hơi ngược đời, là con nợ đuổi đánh chủ nợ. Nhưng đó lại đang là thực tế được nhiều công ty tài chính tiêu dùng phản ánh với đường dây nóng của VTVMoney. Hoạt động cho vay tiêu dùng, vì thế, cũng đang trở nên méo mó và gặp nhiều khó khăn hơn.
"Tuyên bố không trả khoản vay, chửi bới, thậm chí đuổi đánh....", đây là những khó khăn của nhân viên thu hồi khoản vay khi khách hàng không hợp tác.
"Từ chối tiếp chuyện, thậm chí có những lời vu khống nói tới nhà chửi bới, kêu công ăn bắt chúng tôi, thậm chí dùng hung khí để tấn công", anh Trương Ngọc Đức, chuyên viên xử lý tín dụng tại thực địa cho biết.
Hàng loạt các hội nhóm hướng dẫn "bùng nợ" vay tiêu dùng
Một công ty tài chính cho biết, từ năm ngoái đến nay, có tới 24 vụ việc nhân viên thu hồi khoản vay bị đe dọa, hành hung. Gần 1 nửa vụ việc các đối tượng gây thương tích nghiêm trọng. Dù cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý nhưng ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức tài chính.
"Các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép như chúng tôi phải đối mặt với một khó khăn rất lớn khi bị "đánh đồng" với những công ty tài chính mạo danh, khiến nhiều khách hàng chưa hiểu rõ. Một bộ phận khách hàng không nhỏ khác thì lại vin vào đó để chây ỳ trả nợ, thậm chí có ý định không trả nợ", ông Marcin Trusz, Giám đốc Khối Xử lý Tín dụng, FE Credit cho biết.
Theo ông Lê Phương Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Viet Credit, nợ quá hạn mặt bằng chung cao hơn 30% so với năm ngoái. Khiến chi phí trích lập dự phòng, chi phí rủi ro tăng cao, làm biên lợi thấp xuống.
"Hiện nay pháp luật xử lý rất nghiêm tín dụng đen, đòi nợ thuê. Nhiều người thậm chí vin vào điều đó làm "áo giáp", không chịu trả tiền", ông Phan Dũng Khanh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank thông tin.
Cần bảo vệ cả người đi vay cũng như cho vay
Theo đánh giá của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, các công ty tài chính đang đối diện với rủi ro nợ xấu gia tăng. 6 tháng đầu năm nay, nợ xấu của nhóm các công ty tài chính được cấp phép đã tăng lên 13%, từ mức 11% của năm ngoái.
Cho vay tiêu dùng từng được xem là một trong những điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng tín dụng, với mức tăng trung bình trên 20% mỗi năm, giúp cho khoảng 30 triệu người dân đươc tiếp cận các kênh vốn chính thức, góp phần từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của một số công ty tài chính đã sụt giảm mạnh, từ 30%- 80%, thậm chí tới hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân, một phần do tâm lý "bùng nợ" khiến nợ xấu tăng cao, một phần do những khó khăn của nền kinh tế đã khiến nhu cầu vay vốn của người dân sụt giảm. Để hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, thì rất cần những hỗ trợ đồng bộ.
Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng, hạn chế tín dụng đen, Một hành lang pháp lý bảo vệ cho cả người đi vay và người cho vay cũng cần được hoàn thiện. Bởi hiện tại, vẫn thiếu chế tài ràng buộc trách nhiệm với người đi vay, trong khi ý thức trả nợ của người vay còn hạn chế.
"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung và sửa đổi những quy định về cho vay tiêu dùng. Nếu khách hàng mà do điều kiện khách quan không trả được nợ thì có thể cơ cấu lại nợ. Việc cơ cấu lại nợ sẽ giúp công ty Tài chính tiêu dùng giảm nợ xấu, giảm được chi phí trích lập dự phòng rủi ro", ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đề xuất.
Nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của một số công ty tài chính đã sụt giảm mạnh, từ 30%- 80%, thậm chí tới hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn ông Marcin Trusz, Giám đốc Khối Xử lý Tín dụng, FE Credit kiến nghị quy định về tỷ lệ nợ xấu chuẩn cho lĩnh vực tài chính cần điều chỉnh cao hơn để phản ánh đặc thù phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, vay không có tài sản đảm bảo. Các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng cũng cần được chỉnh sửa và tuyên truyền rộng rãi, đi kèm với các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.
Ngoài ra, các giải pháp tuyên truyền cần được tăng cường để người vay phân biệt rõ công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật do tín dụng đen núp bóng. Đồng thời, hiểu được nghĩa vụ của người đi vay và rủi ro trả nợ không đúng hạn.
"Giải pháp quan trọng nhất là truyền thông. Các công ty tài chính cần thông tin, tư vấn đầy đủ cho khách hàng, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, cơ quan đoàn thể… hướng dẫn người dân tiếp cận những tín dụng tiêu dùng chính thống từ các định chế tài chính", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 2 công ty tài chính cung cấp gói tín dụng 20.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, người lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân thấp. Vì thế, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần thay đổi cơ chế, cung cấp gói vay lãi suất thấp hơn từ nguồn vốn chính sách, với điều kiện thuận lợi để đông đảo người dân đều có thể vay khi cần.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế "tín dụng đen", hạn chế việc "bùng nợ", và thúc đẩy tài chính cho vay tiêu dùng hợp pháp. Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là cần 1 hàng lang pháp lý chuẩn mực, để bảo vệ cho cả đôi bên, người vay và bên cho vay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo