Tin tức - Sự kiện

15 doanh nghiệp chăn nuôi cam kết đưa giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4

DNVN - Ngày 30/3, 15 doanh nghiệp chăn nuôi đã cam kết hạ giá heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ 1-4. Theo lộ trình đến cuối quý II và quý III/2020 sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

Covid-19: Cách ly y tế khẩn cấp 7 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai / Covid-19: Hà Nội tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15/4/2020

Sáng 30/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn bàn giải pháp quyết tâm đưa giá thịt heo hơi xuống 60.000 đồng/kg.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn (như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed…) đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và hiện đã hạ giá bán heo hơi xuống với giá từ 73.000 - 76.000 đồng/kg. Cùng với đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, từ cuối năm 2019 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng cường nhập khẩu thịt heo.

Tính đến ngày 27/3, số lượng thịt heo nhập khẩu đạt hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Braxin 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, LB Nga 2,62%,...

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Tuấn,Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng, thời gian qua, mặc dù C.P và một số doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh hạ giá bán lợn hơi, tuy nhiên trên thực tế, người tiêu dùng lại chưa được hưởng lợi do giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng hiện vẫn ở mức rất cao.

"Với giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg, nếu giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng thì mức giá thịt lợn chỉ khoảng xoay quanh 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên trên thực tế, hiện giá thịt lợn bình quân trên thị trường bán tới tay người tiêu dùng hiện vẫn quá cao, tới 140.000đồng/kg", ông Tuấn phản ánh.

Ông Tuấn cho rằng thực trạng này cho thấy khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỉ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lí, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tại hội nghị, sau Công ty C.P cam kết đồng hành đưa giá lợn xuống mức 70.000 đồng/kg, đại diện các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn như Công ty CJ Vina; Dabaco; Japfa Comfeed; Emivest… cũng đã cam kết sẽ điều chỉnh đồng loạt giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng…

Để tiếp tục xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, đồng thời nhằm giảm áp lực của giá thịt lợn đến chỉ số CPI, 15 doanh nghiệp có mặt tại cuộc họp đã cam kết hạ giá heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ 1/4. Theo lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần đẩy mạnh tái đàn, đóng vai trò đầu tàu trong việc điều chỉnh giá thịt lợn xuống mức hợp lý theo đề nghị của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phấn đấu tăng đàn đạt mục tiêu 25% trong năm 2020 nhằm góp phần cải thiện nguồn cung thịt lợn trong nước… Đồng thời, đẩy mạnh việc cung ứng nguồn giống phục vụ tái đàn cho hệ thống các trang trại, cơ sở chăn nuôi trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Mặc dù cơ cấu tiêu dùng thịt sẽ ngày càng đa dạng, tuy nhiên thịt lợn sẽ vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% nhu cầu tiêu thụ thịt tại nước ta.

"Việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý, không chỉ nhằm đảm bảo kìm chế tăng giá tiêu dùng chung của cả nước, hài hòa giữa lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng, mà căn bản hơn, điều này nhằm giữ được thị trường thịt lợn một cách bền vững...", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị và kêu gọi các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng loạt hạ giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020.

Để thực hiện mục tiêu này, cùng với sự nỗ lực của Bộ NN&PTNT, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cần sự chung tay vào cuộc của đề nghị Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại; tổ chức nhập khẩu thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tổ chức kiểm soát tốt chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường, không để xẩy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian. Bộ Công Thương tổ chức kiểm soát giá của chuỗi cung ứng lợn thịt và thịt lợn ở thị trường vì thời gian qua, mặc dù theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá xuất bán gần 70.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, thương lái sau khi mua và vận chuyển lợn ra khỏi cổng của các doanh nghiệp, thương lái có thể bán với giá cao hơn 10.000 đồng/kg lợn hơi.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm