Chính trị

Phòng, chống tham nhũng có bước đột phá nhờ sự đóng góp quan trọng của báo chí

DNVN - Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”, ngày 22/6, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, phòng, chống tham nhũng có bước đột phá nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí và các nhà báo.

Luật Báo chí cần đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn / Độc giả là trung tâm của chuyển đổi số báo chí

Báo chí và dư luận xã hội là những lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go, khốc liệt ở nước ta.

Điều này đã được khẳng định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ trước đến nay. Chủ trương của Đảng về phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được thể chế hóa thành luật Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018).

Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 cũng nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã đặt ra yêu cầu “Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội”…

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng và sư quản lý của Nhà nước, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian qua, báo chí đã thể hiện vai trò tiên phong đi đầu.

Đồng thời, báo chí cũng tổng kết các bài học cũng như các vấn đề đặt ra sau các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, trọng điểm, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, bạn đọc, nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Báo chí là diễn đàn quan trọng huy động sức mạnh của toàn dân, là cầu nối để Đảng, Nhà nước lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng, những sáng kiến của nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí và dư luận xã hội cũng là hai thành tố có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ lẫn nhau.

Dư luận xã hội là đối tượng quan trọng trong phản ánh của báo chí. Ngược lại, báo chí thông qua thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền sẽ hình thành và tác động đến xu hướng phát triển của dư luận xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được luật hóa.

Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định phòng, chống tham nhũng có bước đột phá nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí.

Trong nhiều năm qua, báo chí đã thể hiện vai trò đặc biệt trong điều tra, phát hiện, phản ánh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, từ đó tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng.

Đồng thời tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Theo ông Minh, thực tiễn báo chí Việt Nam cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham những, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí và các nhà báo.

Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

“Báo chí là diễn đàn quan trọng để huy động sức mạnh của toàn dân, là cầu nối để Đảng, Nhà nước lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng, những sáng kiến của nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc khi báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Minh nói.

Tại hội thảo, PGS,TS Nguyễn Văn Thành - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, tham nhũng, tiêu cực là “giặc ở trong lòng” là “giặc nội xâm” cần chủ động đấu tranh không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Vai trò của báo chí, dư luận xã hội có vai trò hết sức quan trọng từ nhận thức đến hành động trong phát hiện, thu thập, xử lý thông tin truyền thông.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”.

Đồng quan điểm đó, nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra.

Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui, “mắt xích” đầu tiên là do báo chí phát hiện đối tượng đi xe ô tô cá nhân gắn biển số xanh trái quy định.

Theo TS Nguyễn Công Dũng - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của người đứng đầu các cơ quan báo chí cũng hết sức quan trọng.

Lãnh đạo cơ quan báo chí cần chủ động, tiên phong, kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời động viên, hỗ trợ phóng viên, biên tập viên tham gia xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực.

Cùng với đó là tin tưởng, quan tâm, ủng hộ và bảo vệ các phóng viên, nhà báo chân chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm