Tin tức - Sự kiện

Công bố bài giảng điện tử phục vụ dạy và học trực tuyến

Ngày 10/9, Bộ GD&ĐT đã giới thiệu địa chỉ các nguồn tài nguyên số (gồm bài giảng điện tử, học liệu số tham khảo) do Bộ, các tổ chức và cộng đồng giáo viên cung cấp nhằm hỗ trợ học sinh, giáo viên và phụ huynh triển khai học trực tuyến.

TP Hồ Chí Minh: Đề xuất hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho 72.000 học sinh / Hà Nội: Bỡ ngỡ buổi học trực tuyến đầu tiên của học sinh lớp 1

Cả nước hiện đang có 11.419 trường tổ chức dạy, học trực tuyến - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Bộ GD&ĐT cho biết nguồn tài nguyên này gồm:

- Một số bài giảng minh họa cho lớp 1 (bao gồm hệ thống các bài giảng minh họa giúp nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức dạy học cho học sinh lớp 1).

- Một số bài giảng minh họa cho lớp 2 (bao gồm hệ thống các bài giảng minh họa giúp nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức dạy học cho học sinh lớp 2).

- Hướng dẫn dạy học trực tuyến (bao gồm các tài liệu, video giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng một số phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến, công cụ số hỗ trợ dạy học, kinh nghiệm sử dụng và triển khai... được lựa chọn từ cộng đồng giáo viên, giúp giáo viên tham khảo trong lựa chọn phần mềm và tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả).

- Kho học liệu số (là sản phẩm hợp tác giữa Hệ Tri thức Việt số hóa với Bộ GD&ĐT nhằm tập hợp các nguồn tài nguyên số từ cộng đồng giáo viên và xã hội để chia sẻ dùng chung trong ngành giáo dục. Tài nguyên số gồm bài giảng e-learning, bài giảng đã dạy trên truyền hình và các tài nguyên số khác.

Học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể tham khảo các nguồn tài nguyên số trên Cổng TTĐT Bộ GD&ĐT tại địa chỉ https://moet.gov.vn.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, hiện kho học liệu đang trong quá trình xây dựng nên một số tài nguyên chưa được cập nhật. Nội dung các nguồn tài nguyên này sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng, tổng hợp từ các nguồn khác và liên tục được cập nhật để hỗ trợ các thầy cô, phụ huynh và nhà trường.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế các chương trình học trực tuyến, học trên truyền hình, nhất là ở bậc tiểu học theo hướng "học mà chơi, chơi mà học"; có hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giờ giảng trực tuyến tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng; lồng ghép, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho các phụ huynh, đặc biệt là các kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch trong môi trường giáo dục và trong xã hội.

Phó Thủ tướng lưu ý việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt là trong thi cử, nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường ở các lớp đầu cấp để bảo đảm quyền lợi cho học sinh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm