Tin tức - Sự kiện

Cử tri và nhân dân đánh giá cao các quyết định kịp thời trong ‘cuộc chiến’ chống COVID-19

Do đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao các quyết định đúng đắn, kịp thời vào thời khắc cam go, khốc liệt của cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Không 'đóng cửa' giao thông trong bất cứ cấp độ nào của dịch / Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ: Phụ huynh trăm nỗi mừng, lo lẫn lộn

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội.

Ông Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 9/3/2021 về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng; hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khẩn trương để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Cử tri và nhân dân vui mừng trước thành công rất tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) với việc đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; chủ trương về phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước năm 2022.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Chiến cho biết theo phản ánh của cử tri và nhân dân, thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết vẫn là khâu yếu ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thể hiện được tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung, nhất là có tình trạng một số người đứng đầu sợ trách nhiệm, sợ phê bình nên chưa quyết liệt trong triển khai công việc.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ việc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của mhân dân lên trên hết, trước hết.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhất là từ khi được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban đã bám sát diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự xã hội, huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực và thông tin truyền thông.

 

Các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương đã khẩn trương, tích cực, chủ động, linh hoạt bám sát tình hình và áp dụng các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền. Các địa phương đã kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện.

Các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận, truy vết, cách ly, chăm sóc y tế cho người dân được giải quyết ngay tại cơ sở. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, mô hình hiệu quả, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia, chống dịch. Chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trong thời gian qua cơ bản là phù hợp, đạt được kết quả quan trọng.

Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch và xác định các địa bàn nguy cơ để triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp. Chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công"; lấy xã, phường, thị trấn làm "pháo đài", lấy người dân là "chiến sĩ", là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất.

Nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt việc xét nghiệm, tăng cường năng lực xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, rất cao; khoanh vùng, cách ly ở phạm vi hẹp nhất có thể; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, từ cơ sở… Chúng ta đã huy động một lực lượng lớn nhân viên y tế, quân đội, công an hỗ trợ TPHCM, Hà Nội và các địa phương đang có dịch một cách hiệu quả.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vaccine, trong một thời gian ngắn đưa về nước được một lượng vaccine lớn để tiêm miễn phí cho nhân dân, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch…

 

Với những nỗ lực đó, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương.

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2021

Cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế gặp khó khăn. Độ bao phủ vaccine chưa đạt yêu cầu khiến việc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng có nhiều trở ngại. Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, các chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất bị đứt gãy. Việc đề ra và triển khai các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thiếu kịp thời nên chưa giúp doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh...

Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời trong lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ về thuế; giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất.

 

5 kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội

Trên cơ sở nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đúc rút được 5 kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về phòng, chống COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vaccine, nhất là vaccine cho người dưới 18 tuổi. Có chính sách, giúp đỡ những người trở về quê từ vùng dịch sớm ổn định đời sống, việc làm. Đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến; có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh, nhất là cho học sinh tiểu học để bảo đảm chất lượng.

Thứ hai, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chưa thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm điều chỉnh, nâng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995, vì đây là những người đang hưởng mức lương thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Thứ ba, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

 

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, nhất là khẩn trương hoàn thành các thủ tục hành chính để sớm triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của nhân dân.

Thứ năm, đề nghị Đảng và Nhà nước sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu; tôn vinh, ghi nhận công lao của những đồng chí hy sinh, những người dân bị tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, nhất là cán bộ cơ sở, tổ COVID cộng đồng, cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia phòng, chống dịch, những nhóm thiện nguyện có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm