Đà Nẵng: Bão Noru gần tới, 22 tàu thuyền với hơn 170 lao động vẫn còn trên biển
Du lịch Đà Nẵng sẽ áp dụng nhiều chương trình thu hút du khách Ấn Độ, Trung Đông / Đề xuất cấp visa cho du khách Ấn Độ tại cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng
Theo báo cáo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT) Đà Nẵng tại cuộc họp, hiện ở khu vực âu thuyền Thọ Quang có 763 phương tiện đang neo đậu tránh trú bão Noru (Đà Nẵng 286 phương tiện; ngoại tỉnh: 447 phương tiện). Khu vực Cồn Ma có 27 phương tiện; vịnh Mân Quang có 75 phương tiện; bờ Tây và bờ Đông sông Hàn có 69 phương tiện… của cả ngư dân Đà Nẵng và ngoại tỉnh.
Tàu thuyền của ngư dân vào âu thuyền Thọ Quang tránh trú bão Noru.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, tính đến 5h sáng nay 26/9 vẫn còn 22 tàu thuyền với 174 lao động của ngư dân Đà Nẵng đang ở trên biển. Trong đó, khu vực Bắc Biển Đông - Hoàng Sa có 7 phương tiện/45 lao động; khu vực giữa Biển Đông - Trường Sa 11 phương tiện/93 lao động; khu vực ven bờ biển Đà Nẵng, Huế 4 phương tiện/36 lao động.
Trong khi đó, theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, hồi 10h sáng nay 26/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 16,0 độ vĩ Bắc; 118,1 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 210km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 10h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 113,2 độ kinh Đông, ngay trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trước tình hình này, Ban chỉ huy PCTT Đà Nẵng đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các quận ven biển bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Đồng thời di dời các tàu neo đậu bờ Đông và bờ Tây sông Hàn về nơi trú ẩn an toàn.
Ban chỉ huy PCTT Đà Nẵng cũng đề nghị Sở GTVT phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan hướng dẫn, bố trí các tàu hoạt động du lịch neo đậu an toàn trên sông Hàn; đề nghị Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng kiểm tra, hướng dẫn các tàu chở hàng, tàu vận tải neo đậu an toàn; đề nghị UBND các quận, phường ven biển tiếp tục hỗ trợ ngư dân đưa tàu công suất nhỏ lên bờ tránh bão.
Trước đó, như DNVN đã đưa tin, chiều tối 25/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo không cho tàu thuyền ra khơi khai thác hải sản bắt đầu từ 0h ngày 26/9; thời điểm cho tàu thuyền ra khơi khai thác lại, giao Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP quyết định. Chủ tịch UBND các quận ven biển có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, yêu cầu ngư dân neo đậu tàu cá an toàn, không để người ở lại trên tàu bắt đầu từ 20h ngày 27/9, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo