Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng theo mô hình kinh doanh tích hợp / Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
Sáng ngày 22/11, tuy thời tiết không thật thuận lợi nhưng đông đảo người dân, du khách và các em học sinh, sinh viên đã đến tham dự khai mạc Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng 2024 với chủ đề “Chuyện làng, chuyện phố” tại Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là một trong những sự kiện nổi bật được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào tháng 11 hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.
Các bạn trẻ nghe cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu về di tích quốc gia Hải Vân Quan qua mô hình tham gia dự thi.
Giữa một đô thị hiện đại với những con đường, những cây cầu vẫn thấp thoáng bóng dáng cây đa, bến nước, sân đình, miếu xóm đầy những câu chuyện thâm trầm qua năm tháng; những lễ hội cổ truyền, nghề thủ công truyền thống… Tất cả tạo nên một không gian di sản văn hoá đặc sắc ngay trong lòng phố với những sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng, các thiết chế và mối liên kết truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Diễn ra trong hai ngày (22 và 23/11), Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024 tôn vinh, lan tỏa những câu chuyện và di sản sống gắn liền với quy hoạch đô thị và các công trình kiến trúc nổi bật của TP. Đây cũng là dịp để mọi người hình dung rõ nét hơn về sự biến chuyển của phố và làng ở Đà Nẵng qua từng giai đoạn.
Sinh viên tình nguyện giới thiệu với các em học sinh mô hình về di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Đình làng Tuý Loan.
Đáng chú ý, tại chương trình năm nay lần đầu tiên diễn ra vòng chung kết cuộc thi làm mô hình các di tích, công trình kiến trúc tiêu biểu tại Đà Nẵng với chủ đề “Hồn phố” vào sáng ngày 23/11, thu hút sự tham dự của 8 đội thi từ các trường đại học tại Đà Nẵng cũng như sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách, nhất là học sinh, sinh viên.
Đây là cách thức rất sáng tạo giúp công chúng hiểu biết về các di tích, công trình kiến trúc trên địa bàn một cách sống động và đa chiều hơn; đồng thời tôn vinh những câu chuyện và di sản văn hóa “sống” gắn liền với quy hoạch đô thị và các công trình kiến trúc nổi bật của TP Đà Nẵng. Qua đó thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Ban tổ chức chọn 10 tác phẩm vào chấm chung kết; đồng thời tổ chức triển lãm để công chúng thưởng lãm và bình chọn cho tác phẩm yêu thích nhất. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng cuộc thi sẽ là một sân chơi bổ ích, hấp dẫn để các bạn sinh viên thể hiện năng khiếu, kiến thức và niềm say mê đối với di sản kiến trúc của TP Đà Nẵng”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo