Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Độ mặn tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ vượt xa quy chuẩn

DNVN - Ngày 1/5, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho biết, hiện độ mặn tại cửa thu nước nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ - nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng - đang duy trì ở mức rất cao so với quy định của Bộ Y tế về quy chuẩn đối với nước sinh hoạt.

Đà Nẵng – Quảng Nam: Hạn hán, xâm nhập mặn sớm đe dọa sản xuất nông nghiệp / Đà Nẵng: Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản đối với đầu tư, kinh doanh

Có thời điểm gấp hơn 10 lần mức cho phép

Cụ thể, sau khi xuất hiện trên sông Cầu Đỏ vào khoảng ngày 27/4, hiện độ mặn tại cửa thu nước NMN Cầu Đỏ vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao, có thời điểm đạt ngưỡng 3.000mg/l (cùng thời điểm này năm 2022 là 1.000mg/l). Trong khi theo quy định của Bộ Y tế thì độ mặn an toàn cho phép đối với nước sinh hoạt, ăn uống ở khu vực bình thường là 250mg/l trở xuống, riêng khu vực ven biển và hải đảo là 300mg/l trở xuống.

Hiện độ mặn tại cửa thu nước NMN Cầu Đỏ đã vượt xa quy chuẩn của Bộ Y tế

Hiện độ mặn tại cửa thu nước NMN Cầu Đỏ đã vượt xa quy chuẩn của Bộ Y tế.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, để đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho TP Đà Nẵng, hiện Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang bơm nước thô từ trạm bơm phòng mặn An Trạch về cung cấp NMN Cầu Đỏ với 4 máy bơm tổng công suất giờ cao điểm 11.000m3/h, công suất giờ thấp điểm điều chỉnh tùy theo nhu cầu. Tại Cầu Đỏ vẫn duy trì vận hành cửa thu nước lấy nước mặt gần 2000m3/h.

Trước đó, như tin đã đưa, hiện mực nước tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn thiếu hụt nghiêm trọng do vận hành không đúng Quy trình Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Quy trình 1865).

Trước tình hình này, nhằm tổ chức vận hành đưa dần mực nước các hồ chứa thủy điện về khoảng mực nước theo quy định tại Quy trình 1865, ngày 27/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn 2606/UBND-KTN yêu cầu từ ngày 28/4 đến 10/5, các thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 vận hành với lưu lượng chạy máy trung bình ngày ở các mức khác nhau: dừng vận hành, vận hành với lưu lượng xả nước tối thiểu theo Quy trình 1865 và vận hành với lưu lượng bằng lưu lượng đến hồ nếu lưu lượng đến hồ nhỏ hơn lưu lượng tối thiểu.

Tuy nhiên theo TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng thủy lợi – thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng), lẽ ra tỉnh Quảng Nam phải giám sát chặt chẽ, xuyên suốt và chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm Quy trình 1865 ngay từ đầu mùa cạn 2023 vốn đã được cảnh báo sớm là sẽ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng do ảnh hưởng Elnino. Để đến tình trạng hiện nay, khi xâm nhập mặn ở hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn đã lên cao, việc ngừng hoặc giảm lưu lượng vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn cần phải tính toán thật hợp lý.

Bài toán nan giải

Theo TS Lê Hùng, bài toán đặt ra lúc này rất nạn giải do độ mặn ở Cầu Đỏ đang lên cao trong khi mực nước tại An Trạch lại đang suy giảm. Mực nước các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn cũng đã xuống thấp nên rất khó trông chờ đẩy mặn tại Cầu Đỏ. Tuy nhiên cần vận hành phát điện các hồ thủy điện này sao cho duy trì đủ cột nước bơm tại An Trạch.

Đặc biệt, đối với hồ thủy điện A Vương, tỉnh Quảng Nam yêu cầu dừng phát hẳn từ ngày 28 - 29/4; từ ngày 30/4 đến 2/5 mỗi ngày vận hành liên tục không lớn hơn 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 15 m3/s; và từ ngày 3 - 10/5 lại tiếp tục dừng phát hẳn sẽ rất dễ làm cho mực nước An Trạch tụt sâu và khó khăn cho việc hoạt động các trạm bơm cấp nước cho NMN Cầu Đỏ để đảm bảo cung cấp nước cho TP Đà Nẵng.

“Nên căn cứ vào biến động mực nước tại An Trạch để có thể quyết định dừng hẳn hồ A Vương hay không. Với mực nước hiện tại đã thiếu thì nên căn cứ vào mực nước An Trạch để quyết định việc phát điện hồ A Vương ở các mực nào: (1) dừng phát, (2) phát điện duy trì 50% so lưu lượng yêu cầu tối thiểu của Quy trình liên hồ, (3) phát bằng lưu lượng tối thiểu theo Quy trình liên hồ”, TS Lê Hùng kiến nghị.

Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, để ứng phó với xâm nhập măn, bảo đảm cấp nước an toàn trên địa bàn TP, Sở đã có văn bản đề nghị Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thực hiện vận hành NMN Cầu Đỏ theo đúng quy định của Quy trình 1865. Cụ thể, khi độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa lấy nước của NMN Cầu Đỏ nhỏ hơn 200 mg/l thì lấy nước trực tiếp từ sông Vu Gia tại cửa lấy nước của nhà máy.

Khi độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa lấy nước của NMN Cầu Đỏ trong khoảng từ 200 mg/l đến 1.000 mg/l, điều chỉnh giảm lưu lượng lấy qua cửa lấy nước của nhà máy và thực hiện lấy nước sông Vu Gia tối đa có thể từ trạm bơm nước tại đập dâng An Trạch. Khi độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa lấy nước của NMN Cầu Đỏ lớn hơn 1.000 mg/l, đóng kín cửa lấy nước của nhà máy và thực hiện việc bơm nước sông Vu Gia tối đa từ trạm bơm tại đập dâng An Trạch.

Trường hợp 24 giờ liên tục độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa lấy nước NMN Cầu Đỏ lớn hơn 1.000 mg/l mà việc khai thác nước từ trạm bơm An Trạch không đủ cung cấp cho NMN Cầu Đỏ thì Dawaco báo cáo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định điều chỉnh chế độ vận hành xả nước (lưu lượng, thời gian xả) của các hồ A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Côn 2 bậc 1 và đập An Trạch về hạ lưu sông Vu Gia để giảm mặn theo quy định của Quy trình 1865.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm