Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: “Nghịch lý” nước sinh hoạt dồi dào ngày nắng nóng và nỗi lo thiếu nước cuối mùa cạn 2021

DNVN - So với các năm gần đây cứ lặp đi lặp lại tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước thì mùa cạn năm 2021 ở Đà Nẵng đang chứng kiến “nghịch lý”: Nguồn nước sinh hoạt ổn định, dồi dào dù nắng nóng gay gắt kéo dài, có khi lên tới 40 độ. Nhưng cùng với đó lại đang là nỗi lo thiếu nước vào cuối mùa cạn năm nay.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Xuất hiện ca mắc mới nghi liên quan BN12190 chở hàng từ TP.HCM ra

Các nhà máy nước nhỏ tê liệt nhưng nước sinh hoạt của Đà Nẵng vẫn ổn định, dồi dào

Ngày 28/6, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho hay, do ảnh hưởng rìa Đông Nam áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng kết hợp với gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình gây hiệu ứng phơn nên tại TP Đà Nẵng tiếp tục xảy ra nắng nóng, nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất 37 – 39 độ, có nơi lên tới 40 đô. Đợt nắng nóng này sẽ còn tiếp tục nhiều ngày tới.

Đập tạm trên sông Quảng Huế được Dawaco đắp xong hôm 20/6 đã phát huy tác chuyển chuyển nước về sông Vu Gia đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn... của tỉnh Quảng Nam

Đập tạm trên sông Quảng Huế được Dawaco đắp xong hôm 20/6 đã phát huy tác chuyển chuyển nước về sông Vu Gia đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn... của tỉnh Quảng Nam.

Đáng mừng là mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nhưng việc cấp nước sinh hoạt tại Đà Nẵng vẫn giữ ổn định chứ không xảy ra nhiễm mặn, thiếu nước. Vì vậy mà không lặp lại cảnh người dân nhiều nơi phải ngóng từng xe bồn của Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) chở nước cung cấp cho các khu dân cư, chung cư… như năm ngoái và vài năm gần đây.

“May sao cả tháng nay nguồn nước ngọt cho Đà Nẵng rất dồi dào. Đơn cử lúc 8h30 sáng nay 28/6, độ mặn nước thô tại cửa thu nước Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ chỉ 29mg/lít so với quy định của Bộ Y tế về độ mặn tối đa cho phép sử dụng cho nước sinh hoạt là 250 – 300mg/lít” – bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN-MT Đà Nẵng) cho hay.

Phó Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam cho biết thêm, do nắng nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng của TP Đà Nẵng hiện vào khoảng 295.000m3/ngày, hôm 24/6 lên tới 305.000m3/ngày là ngày có lượng nước cấp vào mạng cao nhất trong tháng 6. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nước suối khô cạn nên một số nhà máy nước nhỏ trên địa bàn gần như tê liệt.

Nguồn nước của Nhà máy nước (NMN) Hải Vân hiện chỉ còn bằng 0. Tương tự, NMN Sơn Trà có 2 trạm với tổng công suất 10.000m3/ngày nhưng chỉ khai thác được hơn 1.000m3/ngày; NMN Khe Lạnh chỉ khai thác được 50% công suất… Trong bối cảnh đó, hai NMN chính là Cầu Đỏ và Sân Bay phải đảm đường tới 95% tổng lượng nước sản xuất cung cấp cho Đà Nẵng thời điểm hiện nay.

“Mặc dù vậy tình hình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng hiện vẫn ổn định. Nước sông tại cửa thu NMN Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn nên việc khai thác nước thô rất thuận lợi và đảm bảo cấp đủ nhu cầu sử dụng nước của TP!” – Phó Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam nói.

Giải thích về điều có vẻ “nghịch lý” này, bà Đặng Nguyễn Thục Anh cho rằng nguyên nhân nước sông Cầu Đỏ không bị xâm nhập mặn dữ dội như mùa cạn các năm trước chỉ mới là một. Lý do quan trọng thứ hai là Dawaco đã kịp hoàn thành đập tạm trên sông Quảng Huế để chuyển nước về sông Vu Gia cung cấp cho TP Đà Nẵng và các địa phương của tỉnh Quảng Nam ở hạ du sông Vu Gia như Đại Lộc, Điện Bàn…

Được biết, đắp đập tạm trên sông Quảng Huế (Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin) đã được Dawaco đắp xong hôm 20/6 theo đúng vị trí và phương án đắp như các năm 2019, 2020. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng, đập tạm này đã phát huy tác dụng rất kịp thời, giúp cho nguồn nước ngọt cung cấp cho TP Đà Nẵng vẫn dồi dào ngay giữa mùa cạn, nắng nóng gay gắt kéo dài.

Cùng với đó, một nguyên nhân quan trọng nữa được Sở T-MT Đà Nẵng nhấn mạnh là nguồn nước dự trữ tại các hồ thủy điện thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn ở mùa lũ năm ngoái rất dồi dào, nguồn nước về hồ trong các tháng qua cũng nhiều hơn các năm trước do nước ngầm đến dồi dào. Vì vậy các hồ tủy điện này vận hành đúng quy trình, đảm bảo nguồn nước đưa về hạ du.

Minh chứng cho điều này, Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN-MT Đà Nẵng) cung cấp số liệu cập nhật ngày 28/6/2021 về tình hình nguồn nước hiện có tại các hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung 4 và đối chiếu với Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành tại Quyết định 1865/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Qua đó cho thấy mực nước hiện tại /mực nước yêu cầu tại hồ Đăk Mi 4 là 248,98m/248,60m, đủ so với mực nước quy định; dung tích còn lại của hồ so với mực nước chết (240m) là 71,39 triệu m3 nước. Tại hồ A Vương là 356,74m/356,30m, đủ so với mực nước quy định; dung tích còn lại của hồ so với mực nước chết (340m) là 88,64 triệu m3 nước. Tại hồ Sông Bung 4 là 211,98m/211,30 m, đủ so với mực nước quy định; dung tích còn lại của hồ so với mực nước chết (205m) là 83,29 triệu m3 nước.

Và nỗi lo thiếu nước cuối mùa cạn 2021

“Mấy hôm nay nắng nóng gay gắt quá, có lẽ các nhà máy thủy điện được huy động phát nhiều hơn nữa nên lượng nước đổ về hạ du càng lớn, càng giúp đẩy mặn và khiến nguồn nước sinh hoạt cấp cho các địa phương vùng hạ du sông Vu Gia thêm ngọt. Tuy nhiên trong cái đáng mừng này thì cũng có điều đáng lo!” – bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN-MT Đà Nẵng) nói.

Lo là bởi nếu các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn cứ tranh thủ thời tiết nắng nóng, chạy đua xả nước phát điện quá nhiều thì sẽ không đủ lượng nước dùng cho đến cuối mùa cạn. Do hiện nay mực nước trong các hồ vẫn đảm bảo nên Sở TN-MT Đà Nẵng chưa đưa ra cảnh báo đối với các chủ hồ mà đang tiếp tục theo dõi.

Tuy nhiên bà Đặng Nguyễn Thục Anh lo lắng, hiện mực nước các hồ đã bắt đầu mấp mé mực nước giới hạn, nếu không có mưa to trên nguồn mà các nhà máy thủy điện cứ phát nhiều thì nước hồ sẽ tụt xuống thấp chỉ sau vài ngày. Đến cuối mùa cạn nếu các hồ không có đủ lượng nước dự trữ thì không thể chủ động xả nước đẩy mặn, đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất của vùng hạ du sông Vu Gia.

Do vậy, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh cho biết vừa có Công văn số 2377/STNMT-KSTNN gửi đơn vị quản lý, vận hành các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đăk Mi 4 đề nghị theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn để vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia, đảm bảo cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn năm 2021.

Theo đó, căn cứ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 (sau đây viết tắt là Quy trình 1865), đồng thời theo chỉ đạo ngày 14/6/2021 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng liên quan đến tình hình cấp nước sạch trên địa bàn TP, Sở TN-MT Đà Nẵng đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa nêu trên bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn.

Đảm bảo tuân thủ vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia theo đúng quy định của Quy trình 1865. Trường hợp mực nước hồ thấp hơn khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III của Quy trình 1865 phải căn cứ vào dự báo dòng chảy đến hồ, yêu cầu sử dụng nước tối thiểu ở dưới hạ du để điều chỉnh giảm lưu lượng xả phù hợp với quy định của Quy trình 1865 nhằm đưa mực nước hồ về khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III của Quy trình 1865.

Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của hai địa phương (tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, độ mặn tại cửa lấy nước Nhà máy nước Cầu Đỏ và mực nước sông tại trạm bơm An Trạch để vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia đảm bảo việc cấp nước an toàn cho sản xuất, sinh hoạt vùng hạ du, trong đó có TP Đà Nẵng.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm