Tin tức - Sự kiện

Dịch bệnh Covid-19: Doanh nghiệp và người lao động có quyền lợi gì?

Hiện dịch bệnh Covid-19 đã khiến rất nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngừng sản xuất kinh doanh, cho nhân viên nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ làm. Do đó, doanh nghiệp, người lao động cần lưu ý những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình... để cùng vượt qua dịch bệnh Covid-19.

Hơn 500 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 / Cộng đồng doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch COVID-19

Hưởng lương theo thỏa thuận
Theo quy định tại Điều 98, Bộ Luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động được phép cho người lao động ngừng việc nhưng với điều kiện phải trả lương.
Tiền lương ngừng việc như sau: Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương; Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; Nếu vì sự cố điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm... thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Do đó, theo quy định nêu trên, nếu người lao động phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch Covid-19 thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với DN, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Theo điểm c, khoản 1, điều 38 Bộ Luật Lao động năm 2012: Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Do đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TNO)
Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước it nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động đang làm việc bình thường mà phải ngừng việc do cách ly vì dịch bệnh (không do lỗi của người lao động lẫn người sử dụng lao động) thì người lao động được nhận lương ngừng việc với mức do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Theo khoản 2, điều 130 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định “trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”.
Nhiều hỗ trợ cho người lao động, đơn vị tham gia BHXH
Trước những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 khi tình hình sản xuất đình trệ, BHXH Việt Nam đã có nhiều đề xuất Chính phủ, bộ ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ cũng như kịp thời chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện các nghiệp vụ hỗ trợ DN, người lao động.
Bên cạnh việc thanh toán BHYT, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các DN, đơn vị thuộc diện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất khi: Gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho NLĐ, trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; Hoặc bị thiệt hai trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất); DN có văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất kèm theo văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại gửi cơ quan BHXH để tạm dừng tính thu quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN.
Trong đó, thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc đối với DN thuộc UBND địa phương quản lý, do cơ quan LĐ-TB&XH địa phương xác định; đối với DN thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, do Bộ, ngành xác định, số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc được tính so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
Thẩm quyền xác định giá trị tài sản bị thiệt hại đối với DN thuộc UBND địa phương quản lý, do cơ quan Tài chính địa phương xác định; đối với DN thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, do cơ quan tài chính của Bộ, ngành hoặc Bộ Tài chính xác định. Giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của DN, cơ quan xác định số lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc, hoặc cơ quan xác định giá trị tài sản bị thiệt hại có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời DN.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra, nếu DN không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hằng tháng đôn đốc DN đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ TNLĐ-BNN, quỹ BHYT và BH thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đặc biệt, kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc DN đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.
Công văn cũng nhấn mạnh, BHXH các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tránh lạm dụng, trục lợi.
Việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động không nhỏ tới cộng đồng DN và đời sống của NLĐ trong điều kiện dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế, và chống dịch mà Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của Nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đang đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian cách ly.
Người lao động, doanh nghiệp động cần lưu ý những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình,... để cùng vượt qua dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, người lao động nên làm theo các khuyến cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế... để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.
Ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2020 các vấn đề như: Tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm