Tin tức - Sự kiện

Du lịch miền Tây khởi sắc trong đợt lễ 30/4 và 1/5

DNVN - Trong đợt lễ 30/4 và 1/5 năm nay, đã có khoảng 5 triệu lượt khách đi du lịch, điều đó cho thấy du lịch đã thật sự hồi phục sau thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Tại các tỉnh miền Tây, khách du lịch tăng mạnh ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng, du lịch sinh thái, cộng đồng…

Tất bật trên những công trường trọng điểm ở miền Tây / Học sinh khối mầm non, tiểu học ở miền Tây rộn ràng đến trường

Du lịch sinh thái miệt vườn - thế mạnh đặc thù của Vùng sông nước miền Tây.

Du lịch sinh thái miệt vườn - thế mạnh đặc thù của Vùng sông nước miền Tây.

Theo ghi nhận, tại làng du lịch Mỹ Khánh, làng du lịch sinh thái Ông Đề của huyện Phong Điền trong dịp 30/4 và 1/5, mỗi ngày nơi đây đón trên 1 nghìn lượt khách. Để hút khách du lịch, chủ cơ sở đã đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm, chương trình du lịch mới như ở làng du lịch Mỹ Khánh tổ chức ngày hội Bánh - Trái năm 2022, làng Ông Đề tổ chức nhiều trò chơi dân gian mới hấp dẫn, kéo du khách về với những kỷ niệm, ký ức thời thơ ấu… Tại khu du lịch Cồn Sơn mỗi ngày nơi này đón khoảng 20 đoàn khách, chưa kể các đoàn lẻ, du lịch gia đình, cá nhân… đến trải nghiệm văn hóa, ẩm thực miệt vườn..

Đi vào hoạt động từ ngày 30/4, tuyến phố đi bộ Ninh Kiều đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nhiều nhất là ở khung giờ từ 20h -21h hàng ngày. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian diễn ra… để khách có thể thưởng ngoạn không khí buổi tối vui vẻ, vừa thưởng thức những món ăn đường phố hấp dẫn vừa đón làn gió mát mẻ từ sông Hậu thổi lên.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn - Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch thành phố này cho biết: Trong hai ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, có rất đông du khách đổ về các điểm du lịch nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, làng du lịch Mỹ Khánh, làng du lịch Ông Đề, khu du lịch Cồn Sơn. Để mang lại sự hài lòng cho du khách, ngành du lịch đã phối hợp với cơ quan chức năng làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an ninh, an toàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch và nhắc nhở các cơ sở làm du lịch thể hiện lòng mến khách, hào sảng của người miền Tây nói chung, người Cần Thơ nói riêng”.

Du khách tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau – điểm đến hấp dẫn của Ngành du lịch Cà Mau

Du khách tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau – điểm đến hấp dẫn của Ngành du lịch Cà Mau

Du khách tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau - điểm đến hấp dẫn của Ngành du lịch Cà Mau.

Còn tại Cà Mau, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh này, tổng lượt khách du lịch đến Cà Mau trong hai ngày 30/4 và 1/5 là hơn 83 nghìn lượt, tăng 63,7% so với cùng kỳ năm 2021 (49.749 lượt). Trong đó, khách đến các điểm du lịch, di tích là 67.547 người. Cụ thể đến khu du lịch Quốc gia mũi Cà Mau là 10.936 lượt, vườn Quốc gia U Minh Hạ 1.144 lượt, khu du lịch Hòn đá bạc: 7.988 lượt; các điểm du lịch sinh thái, các điểm du lịch cộng đồng là gần 20 ngàn lượt. Tổng doanh thu về du lịch của tỉnh trong 2 ngày 30/4 và 1/5 đạt 77,35 tỷ đồng, tăng 68% so cùng kỳ năm 2021. Theo lãnh đạo ngành du lịch Cà Mau, để có những tín hiệu đáng mừng về du lịch địa phương, Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau đã có những kế hoạch, hướng dẫn các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng chủ động chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, tăng cường nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ nhất là các tuyến, tour phục vụ du khách tham quan, cùng thưởng thức món ăn đặc sản vùng đất cực nam của Tổ quốc…

Để tăng sức hút du khách, trong dịp lễ này, tại các khu trung tâm, các điểm đến du lịch, tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa như viết chữ thư pháp, hoạt động giới thiệu sách; chiếu phim tư liệu về nghề Gác kèo ong, giới thiệu tìm hiểu văn hóa phi vật thể của tỉnh Cà Mau; biểu diễn văn nghệ… Đặc biệt, Sở chủ trì phối hợp tổ chức thành công sự kiện “Hương Rừng U Minh” thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, với nhiều hoạt động nổi bật như đi bộ xuyên rừng; xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam”, “Lẩu Mắm lớn nhất Việt Nam”; giao lưu đờn ca tài tử, các hoạt động trò chơi dân gian, đua thuyền ba lá; trải nghiệm vườn dâu, thu hoạch cá... từ đó, du khách thêm hiểu biết về đất và người Cà Mau mến khách, hào sảng.

Trong 2 ngày lễ 30/4 và 1/5, du khách đến với đảo ngọc Phú Quốc tăng đột biến, với gần 45 nghìn lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng khách tăng đột biến nhưng công tác an ninh, an toàn luôn được bảo đảm. Theo lãnh đạo Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, tuy lượng khách tăng cao nhưng công tác an ninh, an toàn luôn được quan tâm là do đơn vị có sự chủ động lên kế hoạch ứng phó với mọi phương án đón khách.

Bắt đầu từ ngày 29/4 đến 3/5, trung bình mỗi ngày Phú Quốc đón khoảng 25 nghìn lượt khách với hơn 140 chuyến bay, 35 chuyến tàu cao tốc. Với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất cùng các trải nghiệm du lịch được làm mới. Sau khi mở cửa du lịch, Phú Quốc đã ghi nhận một lượng khách rất đông. Trong quý I/2022, Phú Quốc đón 474.723 lượt khách, với tổng cộng 10.033 chuyến bay. Điều đó cho thấy Phú Quốc đang ngày càng hấp dẫn hơn với du khách và hứa hẹn ngành du lịch đảo ngọc tiếp tục sẽ có những bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sự phục hồi ngoạn mục của Ngành du lịch cả nước nói chung, của ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng trong đợt lễ vừa qua mở ra nhiều tín hiệu đáng mừng, dường như ngành du lịch đã dần lấy lại những gì đã mất sau thời gian dài ảnh hưởng đại dịch COVID 19. Ruy nhiên, cũng như các chuyên gia về du lịch cảnh báo, không để ngành du lịch chỉ bùng lên trong một thời điểm như trong các dịp lễ, ngày cao điểm rồi sau đó, đâu cũng vào đấy, đơn điệu và thiếu sức hút… Vì thế, để có nền du lịch bền vững, níu chân du khách, các địa phương cần có chiến lược căn cơ, dài hơi sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, sản phẩm du lịch phong phú hấp dẫn, để du lịch ĐBSCL thật sự là một điểm đến “Lý tưởng - An toàn - Thân thiện - Chất lượng” như đã kỳ vọng.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm