Tin tức - Sự kiện

Dưới mái nhà chung - Bài 2: Xóa bỏ hủ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Những tập tục lạc hậu ăn sâu khiến người ốm không được đưa đến cơ sở y tế; tục đâm trâu gây lãng phí, tốn kém; tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, làm trì trệ sự phát triển. Với sự chủ động vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được gìn giữ, phát huy, nhiều hủ tục bị loại bỏ.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử / Ngăn ngừa, ứng phó với các bệnh truyền nhiễm liên quan đến biến đổi khí hậu

Chú thích ảnh
Lễ hội Ariêu piing được tổ chức tại xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).Ảnh:nvsk.vnanet.vn

Lễ hội Ariêu Ping hay còn gọi lễ cải táng, lễ bốc mả, là lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh lớn nhất của đồng bào Tà Ôi/Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị. Lễ hội nhằm tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất và cầu mong cuộc sống ổn định, no ấm cho bà con dân bản. Tháng 11/2023, lễ hội này được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết: “Ariêu Ping là một trong những lễ hội lớn nhất, là nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc riêng có của người Tà Ôi/Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn. Việc phục dựng và duy trì lễ hội này vừa gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của người Tà Ôi/Pa Kô, cùng đoàn kết chung sức xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc, đồng thời góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, dù là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Tà Ôi/Pa Kô, nhưng có hình ảnh phản cảm và không nhân văn nên địa phương đã vận động người dân loại bỏ, đó là không đâm trâu hiến sinh khi tổ chức lễ hội. Lễ hội thực hiện đúng các nghi lễ nhưng cải tiến sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phù hợp đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Người dân vẫn có thể cúng tế trâu nhưng không thực hiện nghi lễ đâm trâu tại lễ hội.

Chủ tịch UBND xã A Ngo (huyện Đakrông) Hồ Tất Huấn cho biết, chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện nghi lễ đâm trâu tại lễ hội Ariêu Ping. Các già làng cũng đã nhận thức ra việc đâm trâu gây phản cảm, bạo lực và thiếu nhân văn nên đã cam kết sẽ không thực hiện nghi lễ này tại lễ hội. Nhờ đó, nghi lễ đâm trâu phổ biến trên diện rộng trong mỗi dịp lễ hội đã được đẩy lùi, không còn gây lãng phí, tốn kém về tiền của cho gia đình và cộng đồng.

Theo phong tục từ ngàn xưa, đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) thường tổ chức lễ hội đâm trâu vào các dịp lễ lớn. Với đồng bào Cơ Tu, con trâu là con vật may mắn mới được chọn để làm vật tế thần, giúp dân làng thể hiện được tình cảm với thần linh, mong thần linh nhận được vật tế để phù hộ cho dân làng một năm mới tiếp tục no ấm, sung túc. Trong lễ cúng có lợn, gà để dâng lên thần linh. Khi gà rừng cất tiếng gáy cũng chính là lễ khóc trâu dừng lại và tất cả mọi người chuẩn bị cuộc đâm trâu.

 

Những năm trở lại đây, đồng bào nơi đây đã dần xóa bỏ phong tục này vì không còn phù hợp. Già làng Vương Văn Cừa, xã Thượng Lộ chia sẻ, lễ hội đâm trâu diễn ra hai ngày nên không những rất mất công mà còn tốn kém tiền bạc. Nhiều gia đình nghèo khó, phải vay mượn tiền để mua trâu, sau lễ lại càng nghèo hơn . Vì vậy, chúng tôi vận động bà con cố gắng không tổ chức đâm trâu nữa.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, việc người dân tự nguyện xóa bỏ dần lễ hội đâm trâu, vốn đã tồn tại lâu đời trong cộng đồng người Cơ Tu là vấn đề rất khó khăn. Nhưng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, hiện nay, việc đâm trâu không còn xảy ra trong các lễ hội lớn của người Cơ Tu. Để việc đâm trâu không tái diễn, chính quyền địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc của người đúng đầu cấp ủy, chính quyền, già làng, trưởng bản và người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy địa phương làm được để nêu gương cho các địa phương khác học theo.

Tục đâm trâu tại các lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam cũng như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam cũng đã dần được đẩy lùi. Tại huyện miền cao Nam Trà My, các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là của ngành giáo dục thông qua hình ảnh trực quan, sân khấu hóa, sinh hoạt ngoại khóa đã giúp cho con em đồng bào có những hiểu biết nhất định về tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Em Cao Viết Trường Giang học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My chia sẻ, sau khi được tham gia các buổi tuyên truyền, đến nay, nạn tảo hôn, đã có sự chuyển biến tích cực. Việc nhà trường cung cấp cho học sinh kiến thức về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như cách làm của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My có ý nghĩa thực tế cao. Với kiến thức, kỹ năng được trang bị, các em không những bảo vệ bản thân mà còn trở thành tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng về hôn nhân, dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, nguyên nhân gây ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một phần do phong tục tập quán, một phần do trình độ nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của đồng bào còn hạn chế. Tư tưởng cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để khỏi gánh nặng cho cha mẹ còn tồn tại trong đời sống của không ít hộ đồng bào. Mặt khác, do học sinh ở điểm trường nội trú, bán trú, sự quản lý của gia đình và nhà trường nhiều lúc còn hạn chế, cộng với tác động của nhiều yếu tố khác khiến các em có quan hệ tình dục sớm, dẫn đến có thai ngoài ý muốn.

 

Ông Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My chia sẻ, sinh hoạt ngoại khóa để tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hoạt động được tổ chức hằng năm. Ngoài sinh hoạt tập thể, nhà trường còn tổ chức nhóm kín, phù hợp với lứa tuổi. Thông qua buổi ngoại khóa này giúp trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản để các em biết bảo vệ mình. Hy vọng sau này, chính các em sẽ là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra không ít hệ lụy xấu, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc. Do đó, các buổi ngoại khóa với sự giải thích của cán bộ y tế về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hoạt động thiết thực và bổ ích. Từ năm học tới, đơn vị sẽ tham mưu hỗ trợ một phần kinh phí giúp các trường nội trú, bán trú trên địa bàn huyện nhân rộng mô hình này.

Bài 3: Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng vùng sâu trong đất liền

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm