Tin tức - Sự kiện

Gia tăng số vụ việc phòng vệ thương mại

Trong 5 năm, từ 2017 đến nay, tổng số vụ việc phòng vệ thương mại hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt tăng mạnh, chiếm 65% tổng số vụ việc trong vòng 20 năm qua.

Startup Việt trước thách thức “mùa đông gọi vốn” / Khánh thành cầu hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Thực tế trên phần nào cho thấy hàng hoá nước ta đang gây ra áp lực cạnh tranh ngày một lớn hơn tại thị trường nội địa ở các quốc gia nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ của thế giới đang giảm sâu như hiện nay.

Công ty anh Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Sao Đỏ Việt Nam - là 1 trong 14 doanh nghiệp Việt Nam bị nguyên đơn là Liên minh vì Thương mại Công bằng đối với túi mua hàng của Hoa Kỳ yêu cầu điều trachống bán phá giáđối với sản phẩm túi giấy có quai. Doanh nghiệp cho biết, giá thành sản phẩm rẻ là do trong nước đã chủ động được nguyên liệu với giá tốt.

"Cách đây 4 năm, nguyên liệu đầu vào chúng tôi phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hai năm trở lại đây đã có nhà sản xuất trong nước cung cấp, dẫn đến giá đầu vào giảm được tương đối 5 - 7%. Chi phí giảm xuống dẫn đến giá thành bán ra cho khách hàng cũng giảm theo", anh Nguyễn Việt Hà cho biết.

Gia tăng số vụ việc phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Sự gia tăng các vụ kiệnphòng vệ thương mạiđối với hàng hoá Việt Nam gần đây là phù hợp xu thế chung. Ảnh minh họa.

Theo Hiệp hội bao bì Việt Nam, doanh nghiệp Việt đã đầu tư nhiều vào máy móc để nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, nỗ lực đạt các chứng chỉ như OHSAS về xây dựng về hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, chứng nhận FSC bảo vệ rừng, SMETA về Trách nhiệm xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho biết: "Trên thế giới có giá bình quân rồi, doanh nghiệp không thể bán cao hơn, bán thấp hơn thì chịu lỗ nên điều đó không có ích gì cho hoạt động kinh doanh".

Theo VCCI, 5 năm qua số vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới tăng rất nhanh, chiếm khoảng 27% tổng số vụ việc từ trước đến nay theo thống kê của WTO. Do đó, sự gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam gần đây là phù hợp xu thế chung.

"Thời gian này ngành sản xuất trong nước tại các thị trường nhập khẩu hàng hoá của chúng ta gặp khó khăn, vì thế họ tìm đến công cụ để bảo vệ họ trước hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài. Thứ hai là xu hướng trong một vài năm trở lại đây đó là chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng", bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI nhận định.

 

Đến nay, đã có nhiều mặt hàng của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại như thép, nhôm, gỗ, thuỷ sản... nhưng nhiều vụ việc đã kháng kiện thành công, qua đó phần nào chứng minh năng lực sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Tăng năng lực ứng phó phòng vệ thương mại

Việt Nam hiện tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do. Hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ. Do đó, công cụ còn lại để các thị trường nhập khẩu bảo vệ nền sản xuất nội địa, chủ yếu dựa vào những hàng rào kĩ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối tượng chính mà các biện pháp này nhắm tới chính là các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nắm được đầy đủ về các biện pháp này, sự tìm hiểu chuẩn bị là rất cần thiết.

Thép là một trong những ngành hàng xuất khẩu bị các thị trường nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất và sớm nhất. Đến nay, ngành này đã phải đối mặt với gần 80 vụ việc, chiếm hơn 1/3 tổng số vụ và dự báo sẽ có thêm nhiều vụ việc nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép đã dần bắt nhịp được với yêu cầu của cơ quan điều tra các nước. Nhiều vụ kháng kiện đã có được kết quả tích cực.

 

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo: "Doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu kỹ pháp luật của nước, thị trường mình xuất khẩu. Mỗi một thị trường, mỗi một nước họ có một quy trình áp dụng xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại rất khác nhau".

Gia tăng số vụ việc phòng vệ thương mại - Ảnh 2.

Thép là một trong những ngành hàng xuất khẩu bị các thị trường nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất và sớm nhất. Ảnh minh họa.

Phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp: Thứ nhất là chống bán phá giá, tức hàng hoá xuất khẩu của chúng ta bị thị trường nước ngoài cáo buộc là bán giá thấp hơn giá bán trong nước; Thứ hai là chống trợ cấp, tức hàng xuất khẩu của chúng ta bị cáo buộc là được nhà nước trợ cấp; Thứ 3 là biện pháp tự vệ.

 

Trong 3 biện pháp này, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt nhiều nhất là chống bán phá giá, chiếm khoảng một nửa tổng số vụ việc và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Mà ở biện pháp này, đối tượng bị cáo buộc trực tiếp đó chính là các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu.

Hiện bất kì ngành hàng nào cũng có nguy cơ bị phòng vệ thương mại. Đặc biệt là những ngành hàng xuất khẩu mới, có xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng trưởng cao thì nguy cơ càng lớn hơn. Các doanh nghiệp vì thế cần chuẩn bị sẵn sàng, từ khâu quản trị đến kế toán, để kịp thời phối hợp tốt nhất với cơ quan điều tra khi phát sinh vụ việc. Bên cạnh đó, cần chủ động đầu tư tham vấn luật sư và các cơ quan quản lý nhà nước.

"Cục Phòng vệ thương mại đang duy trì hệ thống cảnh bảo sớm để thông tin cảnh báo trước các nguy cơ có thể bị điều tra phòng vệ thương mại, cũng như là can thiệp trong trường hợp cơ quan điều tra của nước ngoài có những hoạt động vượt quá thẩm quyền, vượt quá các cam kết và quy định", ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thông tin.

Sản xuất tốt là chưa đủ, các doanh nghiệp còn cần có khả năng đối phó với phòng vệ thương mại. Bởi một khi đã phát sinh các vụ việc, sẽ có rất nhiều những gánh nặng mà các doanh nghiệp phải tuân thủ, hệ luy cũng có thể sẽ rất lớn.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm