Tin tức - Sự kiện

Giải pháp nào để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công?

Đến hết tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 65,7%. Vậy đâu là giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Giá vé máy bay Tết giảm mạnh / Việt Nam tiếp tục là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài

Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm nhưng hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 65,7% kế hoạch. Như vậy, chặng đường giải ngân vẫn còn khá xa để về đích.

Trong đó, giải ngân từ nguồn vốn trong nước đạt gần 70%, còn vốn nước ngoài chưa tới 22%.

Sáng 10/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp với 6 địa phương thuộc Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ tài chính làm trưởng đoàn gồm Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Cà Mau nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân ở giai đoạn nước rút này.

Giải pháp nào để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công? - Ảnh 1.

Đến hết tháng 11, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 65,7%. Ảnh minh họa - Ảnh: PLO.

Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thủ tục điều chỉnh dự án, giao kế hoạch vốn chậm hay tác động từ dịch bệnh COVID-19... là những vướng mắc chính được các địa phương nêu ra. Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan để gỡ vướng. Nhưng trước mắt, bản thân các địa phương cần chủ động đẩy nhanh các phần việc trong quyền hạn.

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: "Nguyên nhân chủ yếu khiến giải ngân thấp là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm và bị động. Công tác phân bổ vốn, xây dựng dự án và phê duyệt thiết kế, tiến hành đầu thầu chậm, đặc biệt giải phóng mặt bằng chậm".

Ngoài ra, các dự án ODA còn gặp khó khăn vì gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập khẩu máy móc, chuyên gia, nhà thầu. Một số dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn đều mất thời gian thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện.

Các địa phương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết 11 tháng có 34 Bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 55%. Thậm chí, có 3 Bộ chưa giải ngân được đồng vốn nào.

 

Tuy nhiên, cũng có 7 Bộ, và 14 địa phương giải ngân đạt trên 70%. Để có được kết quả này, nhiều địa phương đã phải tăng cường giám sát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm sang dự án có khối lượng thi công tốt, tránh tình trạng đọng vốn.

Dự án cầu Hòa Bình 2 dự kiến đến cuối năm sau mới hoàn thành, nhưng đã vượt tiến độ 12 tháng nhờ nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân. Cây cầu này sẽ kết nối với đường đi tỉnh Phú Thọ và cao tốc Hòa Bình Mộc châu trong tương lai, tạo ra tiềm năng phát triển kinh tế cho địa phương.

Tiến độ thực hiện từng mét đường, từng hạng mục xây cầu... đều được ban quản lý dự án báo cáo hàng tuần. Vướng ở đâu ngay lập tức được lãnh đạo địa phương kịp thời gỡ tới đó.

Giải pháp nào để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công? - Ảnh 2.

Các địa phương đang tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông, Hòa Bình cho hay: "Trước đây chúng tôi thường lập kế hoạch thi công hàng tháng nhưng hàng tháng trôi qua rất dài không đáp ứng được nhịp độ thi công nên giờ chúng tôi lập kế hoạch hàng tuần để điều chỉnh phù hợp hơn".

 

Nhờ báo cáo hàng tuần, 68 dự án đầu tư công của tỉnh Hòa Bình đã được điều chỉnh kế hoạch vốn, với số tiền khoảng 600 tỷ đồng. Tiền sẽ chuyển từ dự án chậm sang dự án giải ngân nhanh.

Thời gian giải ngân qua Kho bạc Nhà nước cũng được rút ngắn hơn 1 nửa, nhờ thay đổi phương thức kiểm soát chi, sang thanh toán trước, kiểm soát chi sau, để các công trình được nhận vốn kịp thời.

Tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư

Một giải pháp quan trọng khác đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện dự thảo là đề án thí điểm tách phần hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư thành một dự án độc lập.

Đề xuất này được kỳ vọng sẽ tháo điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công. Bởi ước tính, trong khoảng 1.900 dự án đầu tư chậm tiến độ trong năm 2020 có gần 1.100 dự án, tức là đến 60% gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng.

 

Trao đổi với phóng viên VTV, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh đây là hành lang pháp lý quan trọng sẽ giúp làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong giải phóng mặt bằng. Đề án sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

"Để giải phóng mặt bằng đi trước một bước, khi công trình được đấu thầu thi công thì nhà đầu tư làm luôn, như vậy tiến độ sẽ rất nhanh, công tình đảm bảo chất lượng hơn và thời gian đưa vào sử dụng được lâu hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn. Còn nếu không tách ra mà phê duyệt dự án rồi mới giải phóng mặt bằng có thể mất hàng năm trong công tác giải phóng mặt bằng, ít cũng mất 3 - 6 tháng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Vốn đầu tư công được xem là vốn mồi quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác tăng trưởng theo, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đã tác đến các lĩnh vực của nền kinh tế.

Do đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tối thiểu 95% đến cuối năm nay.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm