Hà Giang chốt số phận công trình Mã Pì Lèng Panorama
Tỉnh Hà Giang vừa lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị có liên quan về việc xử lý công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang).
Lâm Đồng: Tạm giữ lô khẩu trang gia công lậu, phạt 3 người tung tin giả về Covid-19 / TP.HCM phát thông báo khẩn tìm người đi chuyến bay QR970 từ Doha về TP.HCM ngày 10/3
Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, UBND tỉnh Hà Giang thống nhất quan điểm sẽ không phá dỡ toàn bộ công trình Panorama nhưng sẽ cải tạo thành điểm dừng chân, không có lưu trú.
Việc cải tạo cần đảm bảo theo kiến trúc truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, đảm bảo an toàn và xử lý rác thải đúng quy định.
Dự kiến trong tháng 3/2020, bản thiết kế công trình Paranoma sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, sau đó sẽ được gửi lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc, Ủy ban UNESCO, Cục Di sản Văn hóa.
Công trình Panorama gồm 7 tầng với kết cấu bê tông cốt thép được xây trên đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018. Ảnh: Phương Uyên.
Trước đó, ngày 10/3, bà Vũ Thị Ngọc Ánh - Chủ đầu tư nhà hàng Panorama, gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Giang, đề xuất cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách.
Bà Ánh lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế. Vì vậy, bà kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu công trình, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoa.
Ủng hộ việc cải tạo công trình thành điểm dừng chân cho khách du lịch, PGS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng việc này đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ di sản của cộng đồng. Đây là cách thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương, tạo nguồn thu để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản.
Tuy nhiên, ông Bài lưu ý công trình phải đánh giá tác động môi trường và có giải pháp khắc phục tác động xấu đến thiên nhiên, di sản, nhất là phương pháp xử lý chất thải trong quá trình vận hành công trình.
Được biết, công trình Mã Pì Lèng Panorama được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà cao 7 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn.
Theo nữ chủ nhân khách sạn Panorama, bà mua mảnh đất này ngày xưa là mỏm đá hoang với giá 70 triệu đồng. 4 năm sau, bà chuyển đổi từ giấy tờ viết tay thành bìa đỏ, chính thức sở hữu đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Ánh do Sở TNMT cấp ngày 31/5/2016, thuộc loại đất trồng cây hàng năm.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang, dù công trình này đã đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Trần Thanh Tùng – Phó Trưởng Khoa Kiến trúc dân dụng, Trường ĐH Xây dựng cho rằng, nếu xét về luật rõ ràng công trình sai phép khi xây trên đất nông nghiệp. Hành vi này hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Nhưng xét ở góc độ kiến trúc, rõ ràng công trình đã có những bước xử lý khéo léo theo kiểu giật cấp mô phỏng địa hình. Chính sự mô phỏng đó khiến công trình không tệ như thông tin trên truyền thông.
"Trường hợp công trình Mã Pì Lèng Panorama nên cải tạo lại dự án như dùng vật liệu trong suốt, xanh hoá kiểu nguỵ trang. Mặt hông công trình nên trồng cây xanh, tường xanh, hoặc vật liệu thân thiện hơn một bức tường bê tông" - ông Tùng bày tỏ quan điểm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo