Tin tức - Sự kiện

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng: Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực trung tâm cho tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững.

Đà Nẵng: Phát hiện xe giả mạo taxi Mai Linh / Đà Nẵng thu hồi phù hiệu 58 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ

Chiều 20/5, Hội nghị Thượng định G7 mở rộng đã diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước G7 cùng 8 nước khách mời và một số tổ chức quốc tế lớn. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị và có các phát biểu quan trọng tại các phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Phiên họp "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" tập trung vào các chủ đề quan trọng gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường.

Là một trong những nhà Lãnh đạo phát biểu đầu tiên trong phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, tự lực, tự cường của mỗi quốc gia và hợp tác quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng nêu quan điểm về bảo đảm công bằng, hơp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; bảo đảm cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu; xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đa dạng, có tính thực tiễn cao và phù hợp với quy luật thị trường.

Thủ tướng nhấn mạnh nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực trung tâm cho tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững của mọi quốc gia. Thủ tướng đề nghị các nước G7 và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, phương pháp quản trị, xây dựng hệ sinh thái phát triển năng lượng sạch.

Thủ tướng cho rằng việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững. Các nước G7 cần ưu tiên triển khai kịp thời, hiệu quả các cam kết tài chính cho phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách là xoá, giãn và cơ cấu lại nợ cho các nước nghèo. Thủ tướng đề xuất cần tiếp cận sáng tạo trong huy động các nguồn tài chính đa dạng, chú trọng hợp tác công tư, tài chính hỗn hợp gắn với sự tham gia của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài.

Với Việt Nam, Thủ tướng khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 dù Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, đang chuyển đổi, là nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Đánh giá đây là thách thức rất lớn nhưng là con đường Việt Nam lựa chọn trên cơ sở phát huy nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng: Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng nhấn mạnh ủng hộ sáng kiến "Cộng đồng phát thải ròng bằng không châu Á" của Nhật Bản và đề xuất các nước G7 và đối tác tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai Thỏa thuận Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng một cách thực chất, hiệu quả; góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ về năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn. Khẳng định gió, mặt trời là các nguồn năng lượng không ai có thể lấy đi, Thủ tướng chia sẻ việc Việt Nam vừa công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, cũng như ủng hộ Tiểu vùng Mekong phát triển bền vững.

Tại phiên họp, nhiều nhà Lãnh đạo chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tầm quan trọng của đoàn kết và hợp tác quốc tế trong ứng phó các thách thức toàn cầu, nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt về tài chính trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ quan điểm của Việt Nam về việc cân bằng giữa thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không 0 với bảo đảm an ninh năng lượng.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự sự kiện về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu. Đây là sáng kiến quan trọng của nhóm G7 trong thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở các nước đang phát triển thông qua huy động tài chính công và hợp tác công - tư. Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của G7; đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.

Trước đó, tại Phiên họp có chủ đề "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", các nhà lãnh đạo đã thảo luận về những biện pháp ứng phó với các cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, diễn ra ngày càng thường xuyên, trong nhiều lĩnh vực như lương thực, y tế, kinh tế.

 

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn. Thủ tướng đề xuất cần nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính - tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO.

Thủ tướng nêu thông điệp về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, nhấn mạnh việc đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố hành độngHiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu; đề nghị G7 và đối tác đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp xanh, tăng cường tham gia và hỗ trợ triển khai các cơ chế hợp tác trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất lương thực để đóng góp vào thực hiện Tuyên bố Hiroshima.

Trên tinh thần không để ai, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng kêu gọi các nước G7 và các đối tác phát triển có chương trình hành động cụ thể, tăng cường hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách số, làm chủ công nghệ tiên phong, bảo đảm an ninh nguồn nước xuyên biên giới, thực thi bình đẳng giới và xây dựng các cơ chế hiệu quả để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm