Hơn 50 nhà nghiên cứu “hiến kế” phát huy thương hiệu Thành phố Festival Hoa và phong cách người Đà Lạt
Đưa kịch nói đến Đà Lạt: Kỳ vọng một sản phẩm du lịch mới / THACO là nhà tài trợ kim cương Festival hoa Đà Lạt 2022
Sáng ngày 23/12, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt tổ chức Hội thảo khoa học phát huy giá trị thương hiệu Thành phố Festival hoa Đà Lạt và phong cách người Đà Lạt “Hiền hoà – Thanh lịch – Mến khách”. Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu, nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người dân và người yêu Đà Lạt cả nước.
Ông Tôn Thiện San – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, mong muốn thông qua hội thảo sẽ nhận được nhiều hiến kế cho sự phát triển của thành phố.
Phát biểu khai mạc, ông Tôn Thiện San – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, chia sẻ, Đà Lạt không chỉ đẹp bởi cảnh quan, môi trường và khí hậu mà còn bởi bề dày văn hóa, sự kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây với gần 130 năm hình thành và phát triển. Tất cả những điều đó đã tạo dựng cho con người Đà Lạt một phong cách văn hóa khá riêng biệt, đó là “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.
Năm 2003, nhân kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, trong đó có các hoạt động quảng bá, giới thiệu và thu hút đầu tư ngành hoa. Đây được xem như sự kiện khởi đầu cho các kỳ Festival hoa ngày nay. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản công nhận Đà Lạt là “Thành phố Festival hoa của Việt Nam”.
TS Trương Thị Ngọc Thuyên đã trình bày tham luận “Từ mô hình giá trị thương hiệu dựa trên khách hàng đến giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu Thành phố Festival hoa Đà Lạt”.
Đến nay, Festival hoa Đà Lạt đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh tôn vinh và khẳng định thương hiệu hoa Đà Lạt, Festival hoa cũng là dịp giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về phong cách văn hóa người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Đồng thời quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng và các mặt hàng nông sản của địa phương... Tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh được giao lưu, trao đổi, phát triển ngành nghề, cũng như là dịp thuận lợi để tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương.
“Hội thảo lần này đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của hơn 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Chúng tôi kỳ vọng, dưới các hướng tiếp cận khoa học liên ngành, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích, để tiếp tục đề xuất những định hướng, giải pháp có giá trị khoa học và thực tiễn nhằm phát huy thương hiệu Thành phố Festival hoa gắn với việc giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Qua đó góp phần quan trọng cho mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao của thành phố”, ông Tôn Thiện San chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng ngành hàng đặc sản chợ Đà Lạt, chia sẻ ý kiến về giữ gìn, phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hoà – Thanh lịch – Mến khách” trong kinh doanh.
Với hơn 30 báo cáo tham luận, bài báo khoa học liên quan đến hai chủ đề chính, đó là phát huy thương hiệu Thành phố Festival hoa và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Tại hội thảo, ban tổ chức đã chọn ra 4 báo cáo tiêu biểu để các báo cáo viên trình bày trực tiếp.
Theo đó, TS Trương Thị Ngọc Thuyên đã trình bày báo cáo “Từ mô hình giá trị thương hiệu dựa trên khách hàng đến giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu Thành phố Festival hoa Đà Lạt”. TS Nguyễn Thị Lương trình bày tham luận “Đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ VR và AR để quảng bá thương hiệu điểm đến Thành phố Festival hoa Đà Lạt”. TS Vũ Thị Thùy Dung trình bày báo cáo “Sự tham gia của người dân trong việc giữ gìn phong cách người Đà Lạt”. Tham luận “Bài học kinh nghiệm về sự phối hợp giữa các bên liên quan từ vận dụng mô hình bán hàng theo phong cách “Hiền hòa –Thanh lịch – Mến khách” tại Chợ Đà Lạt” qua sự trình bày của ông Trương Văn Thu – Ban quản lý chợ Đà Lạt.
Bà Phạm Hà Thuỷ Anh - CEO Hệ thống Nhà thuốc Nhân Hoà Đà Lạt, chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, người dân và người yêu Đà Lạt đã trao đổi, phản biện và đóng góp hơn 20 ý kiến liên quan đến các báo cáo tham luận. Đồng thời hiến kế, đề xuất nhiều giải pháp để phát huy thương hiệu Thành phố Festival hoa và phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.
TS Lê Minh Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, đồng chủ trì hội thảo, cho rằng, đây là diễn đàn quy tụ không chỉ giới học thuật mà còn là nơi để chính quyền, doanh nghiệp và các bên liên quan cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và đóng góp vào quá trình xây dựng và giữ gìn giá trị thương hiệu và văn hoá con người của một thành phố đáng sống.
TS Lê Minh Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, phát biểu tại hội thảo.
Đà Lạt trở thành một trường hợp điển hình, đối tượng nghiên cứu chính theo quan điểm nghiên cứu khu vực để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia liên ngành cùng ngồi lại với nhau, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận để nhận diện các vấn đề của địa phương, đề xuất những ý tưởng, giải pháp định hướng cho Đà Lạt phát triển với tiềm năng vốn có.
“Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và tình yêu dành cho Đà Lạt, các ý kiến đóng góp tại hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để TP Đà Lạt nghiên cứu, có thêm nhiều định hướng và giải pháp nhằm phát huy được tối đa lợi thế riêng có của địa phương, tiếp tục khẳng định thương hiệu “Thành phố Festival hoa”, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, TS Lê Minh Chiến chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kết tinh cảm xúc đêm chung kết cuộc thi ‘Thước phim Đà Lạt’
Dalat Spring Concert mang huyền thoại âm nhạc thế giới biểu diễn thường niên tại Đà Lạt
Đà Nẵng khai mạc lễ hội đón giáng sinh, chào năm mới
Hàng trăm cây dừa được trồng, bãi biển Đà Nẵng thêm sức sống
Kiên Giang vận hành hệ thống camera giám sát giao thông