Những nghị định, thông tư nổi bật có hiệu lực từ 01/7/2020
DNVN - Lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp; Quy định về sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Những việc hiệu trưởng trường công lập phải công khai... là nội dung chính của các thông tư, nghị định nổi bật có hiệu lực từ ngày 01/7 tới.
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2019 / Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2020
Cụ thể như sau:
1. Lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp
Nghị định 53/2020/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đưa ra lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như sau:
Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi):
Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm. Kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, áp dụng theo Biểu sau:
+ 4.000.000 đồng/năm đối với cơ sở lưu lượng nước thải bình quân từ 10 đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ);
+ 3.000.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 05 đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ).
+ 2.500.000 đồng/năm đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 05 m3/ngày (24 giờ).
Đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên: phí tính theo công thức sau: F = f + C.
Trong đó: F là số phí phải nộp, f là mức phí cố định: 1.500.000 đồng/năm (kể từ ngày 01/01/2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm); trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I, số phí phải nộp tính cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm, mức phí cho 01 quý = f/4. C là phí biến đổi, tính theo: tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất theo Biểu tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 53/2020.
2. Quy định về sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
Theo Nghị định 26/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được quy định như sau:
Sao tài liệu bí mật nhà nước là việc chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng nội dung bản gốc hoặc bản chính của tài liệu. Chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước là việc ghi lại bằng hình ảnh tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Hình thức sao tài liệu bí mật nhà nước gồm sao y bản chính, sao lục và trích sao.
Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành tại địa điểm bảo đảm an toàn do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước quy định.
Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.
Nghị định 26/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002.
3. Những việc hiệu trưởng trường công lập phải công khai
Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, quy định 12 việc hiệu trưởng phải công khai:
9 việc phải công khai để nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động biết, đơn cử như: Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của cơ sở giáo dục; Các nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục; Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cơ sở giáo dục;...
3 việc phải công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật: Những việc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Tất cả các quy định của cơ sở giáo dục liên quan đến việc học tập của người học theo quy định của pháp luật; Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT thay thế Quyết định 04/2000/QĐ-BGDĐT ngày 01/3/2000.
4. 19 biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Bộ Công an ban hành Thông tư 24/2020/TT-BCA về biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo đó, quy định 19 biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đơn cử như: Mẫu số 01: Văn bản xác định độ mật đối với vật, địa điểm, lời nói, hoạt động, hình thức khác chứa bí mật nhà nước. Mẫu số 02: Dấu chỉ độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật. Mẫu số 03: Dấu ký hiệu A, B, C. Mẫu số 04: Dấu Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; dấu Gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Mẫu số 05: Dấu Giải mật.
Thông tư 24/2020/TT-BCA bãi bỏ Thông tư 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015.
5. Ba thông tư về thuế, phí, lệ phí
Thông tư 32/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 268/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng mã, số viễn thông.
Thông tư 31/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Thông tư 92/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 72/2014/TT-BTC quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo