Tin tức - Sự kiện

Phát triển Đông Nam bộ thành vùng văn minh, hiện đại - Bài 1: Tiềm năng phát triển lớn

Vùng Đông Nam bộ được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tuổi thọ người Việt Nam cao nhưng có gần 10 năm sống với bệnh tật / Gần 63% lao động nhận trợ cấp thất nghiệp không có bằng cấp

Chú thích ảnh
Cửa khẩu Xa Mát là đầu mối giao thương với Campuchia. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Theo quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác trong cả nước.

Phóng viên TTXVN sẽ thực hiện chùm 2 bài viết “Phát triển Đông Nam bộ thành vùng văn minh, hiện đại” để phân tích rõ hơn về tiềm năng, lợi thế và thách thức của vùng này.

Bài 1: Tiềm năng phát triển lớn

Vùng Đông Nam bộ có diện tích đất tự nhiên là 23.551,5 km2, là khu vực có nền phát triển kinh tế đa dạng và năng động, với lực lượng lao động dồi dào, trình độ cao, nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đây còn có hệ thống đô thị, các khu công nghiệp phát triển mạnh, trở thành trung tâm kết nối các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, gắn kết bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, đường hàng không, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng cũng như mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế.

Cửa ngõ quốc tế

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước với vị trí gần như trung tâm của khu vực ASEAN, nằm trên tuyến đường biển quốc tế quan trọng, với đường bờ biển (phần đất liền) dài hơn 176 km. Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ có khoảng 500 km đường biên giới đất liền tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, với 4 cửa khẩu quốc tế, nhiều cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ thuận lợi hoạt động thương mại biên giới. Cùng đó, đây là điểm trung chuyển trên tuyến đường hàng không quốc tế từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây; trên tuyến đường xuyên Á nối liền các nước Đông Nam Á lục địa; đồng thời nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực phát triển kinh tế năng động bậc nhất của thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với sự vào cuộc tích cực của bộ máy các cấp, các ngành, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung cả nước như: tốc độ tăng trưởng tổng ngân sách trên địa bàn (GRDP) cả vùng ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước; GRDP của vùng đóng góp vào tổng ngân sách quốc nội (GDP) cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), thu ngân sách nhà nước đạt 675 nghìn tỷ đồng, có 4/6 địa phương trong Vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Các địa phương trong vùng đã đề ra kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp theo định hướng có chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Các địa phương tham gia tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; kết nối chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp thương mại, logistics nhằm mở rộng mạng lưới, chuỗi sản xuất kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị, khối lượng hàng hóa sản xuất tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định rõ, hiện nay Đông Nam bộ đang còn có một số khó khăn, thách thức như hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ; ngập úng và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn là điểm nghẽn của sự phát triển; các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết trong hạ tầng giao thông, liên kết đầu tư phát triển đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng cần tăng cường hơn nữa. Hơn nữa, khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn, làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, chất bán dẫn. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy có nhiều cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Rút ngắn khoảng cách

Chú thích ảnh
Tỉnh Tây Ninh tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành mía đường. Trong ảnh: Thu hoạch mía tại vùng nguyên liệu mía của Công ty TNHH Hưng Thịnh, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh tư : Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Tây Ninh là một trong những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế so với các tỉnh khác trong vùng Đông Nam bộ. Những năm qua, Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, phần nào rút ngắn được khoảng cách so với các tỉnh, thành lớn trong vùng.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững hòa nhịp cùng sự phát triển chung của Đông Nam bộ và cả nước.

“Tỉnh Tây Ninh mong rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong vùng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để hoàn thiện phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh gắn với kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng; hoàn thiện các thủ tục để triển khai các nội dung, dự án trọng điểm như cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu – Xa Mát giai đoạn 1; chuỗi công nghiệp đô thị dịch vụ dọc hành lang xuyên Á; hành lang phát triển Bình Dương – Tây Ninh; Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài… Nhằm hiện thực hóa quy hoạch, tạo ra tiền đề, động lực mới cho Tây Ninh phát triển trong mối liên kết với vùng”, ông Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông của vùng phải đầu tư khoảng 660 nghìn tỷ đồng, đây là con số rất lớn và tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa như hệ thống đường bộ cao tốc, đường vành đai trong vùng, đẩy nhanh đầu tư đưa vào khai thác một số tuyến đường sắt đô thị TPHồ Chí Minh; nghiên cứu sớm đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng Thủ Thiêm, Long Thành, Biên Hòa, Vũng Tàu, TPHồ Chí Minh và Cần Thơ.

Theo đó, Đông Nam bộ sẽ hình thành và phát triển các hành lang kinh tế; trong đó ưu tiên hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài – TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHồ Chí Minh; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế và làm cơ sở để tổ chức lại không gian phát triển vùng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng Đông Nam bộ hội tụ phần lớn các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hoá dầu. Cùng đó, phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông; nghiên cứu, ứng dụng triển khai khoa học và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu. Đặc biệt, vùng có TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo lớn nhất của khu vực phía Nam và cả nước, là một đô thị mang tầm khu vực sẽ là đầu tàu vững chắc dẫn dắt vùng phát triển.

Bài cuối: Trở thành đầu mối giao thương quốc tế

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm