Tin tức - Sự kiện

Tự sự: Nước mắt trong bình an đến ấm lòng giữa đại dịch Covid - 19

DNVN - Số lượng người nhiễm bệnh và số người chết vì đại dịch trên thế giới đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế, văn hóa, văn minh và làm thay đổi từng góc nhìn giữa con người với con người trên toàn cầu. Trở về đất mẹ (Việt Nam) để kiếm tìm sự bình an, tôi rất thấm thía và ấm lòng về tình người, sự bao dung của người Việt. Tôi đã rơi nước mắt...

Chủ tịch Thừa Thiên Huế gửi thư cho du khách nước ngoài đang bị cách ly do dịch Covid-19 / Bình Thuận dừng đón khách quốc tế, đưa 4 cơ sở lưu trú làm điểm cách ly chống dịch Covid-19

Hành trình
Tôi ở Châu Âu khi đại dịch Covid-19 đã bùng phát ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và đang lây lan tới 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không ai ngờ Đại dịch lây lan quá nhanh, trong khi cộng đồng Châu Âu quá chủ quan và chậm trễ trong việc phòng chống dịch. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, dịch bệnh đã lan ra gần như khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng là thế, nhưng tất cả những nơi tôi đi qua ở Châu Âu, từ Đức đến Hungary và một số nước khác, người dân sở tại, khách quốc tế và cả người Việt Nam ở đó đều không đeo khẩu trang khi đi bộ, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc khi tới nơi đông người. Cảm giác lo lắng, mất an toàn bủa vây, đôi lúc, tôi lại nghe lòng mình giục giã: Kệ họ, mình phải đeo khẩu trang để tự bảo vệ. Nhưng những ý nghĩ đó của tôi ngay sau đó lại bị dập tắt bởi cảm giác lạc lõng với xung quanh. Tuy vậy, hình ảnh gớm ghiếc về dịch bệnh vẫn lởn vởn mãi trong đầu không nguôi, làm cho cảm giác bất an dâng lên tột đỉnh. Tôi quyết định lôi khẩu trang ra đeo. Ngay lập tức, bạn tôi can ngăn: “Tôi nghĩ, bạn không nên đeo khẩu trang. Mình chỉ muốn phòng bệnh, đó là suy nghĩ tích cực, nhưng ở đây, họ rất kỳ thị và nhạy cảm. Bạn đeo khẩu trang, họ cho rằng bạn đang bị bệnh đấy”... Tôi đành dằn lòng, nhét lại khẩu trang vào túi. Ngày hôm sau, gặp một nhóm người khác, thấy tôi lo lắng, họ tỏ ra rất vô tư và khuyên nhủ: “Em không phải lo, bệnh này chỉ người già nhiễm thôi”. Tôi không còn dám nghĩ đến chuyện dùng khẩu trang ở đó nữa.
Tối về, theo dõi thời sự, những thông tin về dịch bệnh lại đập vào mắt tôi. Trên thế giới có thêm nhiều nước đóng cửa đường biên, tạm dừng khai thác các chuyến bay... Lo lắng lại xâm chiếm toàn não bộ, khiến tôi cả đêm thao thức và tự hỏi: “Liệu mình, người thân của mình có được bình an không?" Và tôi quyết định nhanh chóng giải quyết công việc, đổi vé rời Châu Âu, trở về Việt Nam sớm hơn dự định.
May mắn
Rời thành phố Budapest – Hungary trở về Việt Nam, khi lên xe, tôi quyết định dùng khẩu trang, mặc ai nói sao cũng được. Và tôi đã thở phào nhẹ nhõm, vì khi bước xuống nhà ga, tôi thấy khoảng 30% hành khách và một số nhân viên nhà ga đã dùng khẩu trang. Sự nghiêm trọng của dịch bệnh có lẽ đã làm thay đổi tư duy vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Châu Âu. Tôi thấy yên tâm hơn nhiều, vì đã có “đồng minh”, cảm giác lạc lõng khi dùng khẩu trang không còn nữa. Trên máy bay, số người dùng khẩu trang đã có khoảng 60% hành khách trên máy bay. Khi tới Dubai, tôi chuyển sang chuyến bay EK392 để trở về Việt Nam, lúc đó trên chuyến bay này đã có tới 95% hành khách sử dụng khẩu trang và điều này đã khiến tôi thực sự yên tâm và nghĩ rằng nhiều người có ý thức dùng khẩu trang như thế này thì nguy cơ CoVid-19 sẽ không còn cơ hội phát tán ra ngoài với diện rộng được nữa....
Điều khó quên trong đời
Trong thời gian ở nước ngoài, chúng tôi luôn theo dõi mọi diễn biến phòng, chống dịch bệnh trong nước và thấy rất yên tâm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nước nhà, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đảm trách. Theo đó là các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức và công dân Việt Nam, đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng... đã không quản khó khăn, gian khổ ngày đêm và túc trực, ngăn chặng tất cả các trường hợp có dấu hiệu hoặc ở vùng dịch về Việt Nam, đặc biệt là không phân biệt sắc tộc, màu da, không phân biệt sang hèn...mọi người đều được đối xử bình đẳng như nhau, người mắc bệnh được cứu chữa hết lòng, người trong diện cách ly được chăm sóc chu đáo. Trong khó khăn, hoạn nạn, càng tỏa sáng truyền thống và phẩm chất vốn có, thân thiện, yêu thương, đùm bọc và san sẻ của người dân Việt Nam.
Từ máy bay xuống, chúng tôi được chờ đón và được hướng dẫn, nộp khai báo hành trình và mọi thủ tục được xử lý nghiêm túc và nhanh chóng. Sau khi được khử trùng và giải thích cặn kẽ, chúng tôi được đưa về cách ly ở Trường Quân sự quân khu 7 tại quận 12, TP Hồ Chí Minh. Tôi rất vui vẻ thực hiện việc cách ly, vì tôi biết, tôi đang được bảo vệ an toàn ở đất nước mình. Trở về từ vùng dịch, tôi xác định việc cách ly phòng dịch là cần thiết, trước mắt mình được an toàn, gia đình người thân mình được an toàn và mình thực hiện nghiêm túc chính là đã thực hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Rất xúc động, chúng tôi được đùm bọc, sẻ chia của những người trực tiếp chăm lo cho mình và những người cùng hành trình tìm nơi an toàn nơi đất mẹ, tôi càng thêm thấm thía nghĩa tình và tự hào với bạn bè năm châu về con người, về quê hương và tổ quốc Việt Nam yêu dấu...
Tới khu cách ly, chúng tôi được những chiến sĩ trẻ của Trường Quân sự quân khu 7 tại quận 12, TP Hồ Chí Minh tiếp đón chu đáo...“Cô cứ vào nghỉ ngơi và uống nước. Đồ cứ để đó, lát xong ai nặng chúng con mang lên cho... ai đói thì chúng con phục vụ nước và mỳ hộp, phở hộp ăn tạm, không sáng mai mới ăn thì đói đấy ạ”. Câu nói, hành động toát đầy sự quan tâm, chia sẻ của những chiến sĩ trẻ khiến tôi rưng rưng nước mắt.
Sau khi kiểm tra thân nhiệt xong, chúng tôi được các chiến sỹ mời sang phòng ăn uống, sau đó được hướng dẫn về phòng nghỉ ngơi, theo đó các chiến sĩ trẻ không ngại ngần mang vác những chiếc vali vừa to vừa nặng lên tận tầng 5 cho phụ nữ và người lớn tuổi trong đoàn. Về phòng, chúng tôi được cấp phát đầy đủ đồ dùng thiết yếu như: Xà bông giặt, kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt, dầu gội, nước muối súc miệng, nước uống đóng chai, nước bình, xô, chậu rửa mặt, chậu lớn tắm giặt…

Xe chuyên dụng của quân đội chở mọi ngườì, trong đó có người nước ngoài về khu cách ly

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại khu cách ly

Đồ dùng thiết yếu được cấp phát đầy đủ cho mọi người ở khu cách ly
Không chỉ được phục vụ mỗi ngày đủ ba bữa đều đặn sáng, trưa, tối. Ngoài ra nếu ai có nhu cầu, các chiến sĩ cũng hết lòng phục vụ bữa ăn phụ vào thời gian từ 21 giờ -22 giờ mỗi ngày. Để phục vụ miễn phí hàng chục nghìn người, gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài về nước và người nước ngoài đến Việt Nam, là cả một sự hy sinh lớn lao không có gì có thể nói hết, công sức và tiền của kể sao cho hết, so sánh thế nào được với những tấm lòng đáng trân quý, nhưng con người đang ngày đêm tận tụy với công việc. Nhưng trên tất cả là sự hy sinh thầm lặng của các Y - Bác sỹ và những chiến sỹ ngày đêm phải đương đầu sự nguy hiểm của dịch bệnh...Vì sự an toàn cho mọi người, nhiều khi họ đã phải ăn lều, ngủ bạt, dãi nắng, dầm mưa để nhường nơi ăn, chốn ngủ cho chúng tôi và những người nước ngoài ở các khu cách ly. Đúng là, những tình cảm thân thương ấm áp và sự hy sinh của các anh, các chị đã để lại trong lòng chúng tôi, bạn bè quốc tế một sự trân trọng, không thể đưa ra so sánh, hoặc quy đổi bằng bất cứ thứ gì hơn được.

Khẩu phần ăn ba bữa đầy đủ trong một ngày tại khu cách ly


Đồ ăn thêm mà các chiến sỹ phục vụ nếu có nhu cầu dùng thêm từ 21giờ - 22 giờ hàng ngày

Tập thể thao để nâng cao sức khỏe và nhiều sinh hoạt giải trí trong giai đoạn cách ly
Tôi đang ở Việt Nam - vẫn rơi nước mắt khi biết mình đã an toàn trong gia đình và người thân giữa đại dịch.
Thanh Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm