Y tế

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế: Không cần đo huyết áp tất cả người tiêm vaccine COVID-19

DNVN - Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về tạm thời khám sàng lọc tiêm vaccine phòng COVID-19, trước khi tiêm, việc đo huyết áp được áp dụng với một số trường hợp nhất định, thay vì tất cả các đối tượng như hướng dẫn cũ.

Cà Mau: Nam công nhân cùng 5 người trong gia đình nhiễm COVID-19 / Từ đầu năm đến nay TP Hồ Chí Minh có 14.800 trẻ em mắc COVID-19

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 4355/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Quyết định này bãi bỏ Quyết định 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Hướng dẫn mới nhất về khám sàng lọc được đưa ra nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, trước khi tiêm vaccine COVID-19, việc đo huyết áp được áp dụng với một số trường hợp nhất định.
Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine.
6 đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng
Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai từ 13 tuần; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.
Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng bao gồm những người: Có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; đang mắc bệnh cấp tính; và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Chống chỉ định nếu người tiêm có các tiêu chí: Tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 cùng loại (lần trước) và có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Đo huyết áp với một số trường hợp
Khi khám sàng lọc trước tiêm, phải thực hiện hỏi tiền sử bệnh (Tình trạng sức khỏe hiện tại có đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mạn tính đang tiến triển, đặc biệt là tình trạng bệnh gợi ý COVID-19; Tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19; Tiền sử dị ứng; Tiền sử mắc COVID-19 (nếu có); Tiền sử suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đang điều trị hóa trị, xạ trị; Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông; Phụ nữ mang thai (nếu có) hoặc đang cho con bú.
Đối với phụ nữ mang thai phải hỏi tuổi thai; giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi. Với phụ nữ mang thai từ13 tuần cần giải thích lợi ích/nguy cơ và ký cam kết nếu đồng ý tiêm và chuyển đến cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, phụ nữ đang mang thai và cho con bú chống chỉ định tiêm vaccine Sputnik V.
Về khám lâm sàng trước tiêm chủng, tại Quyết định này quy định đo thân nhiệt tất cả những người đến tiêm; đo huyết áp đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp, người có bệnh nền liên quan đến bệnh lý tim mạch, người trên 65 tuổi; đo mạch, đếm nhịp thở ở người có tiền sử suy tim hoặc phát hiện bất thường như đau ngực, khó thở...
Như vậy, theo hướng dẫn này, việc đo huyết áp tất cả những người đến tiêm chủng đã không áp dụng. Đây là điểm thay đổi so với Quyết định 3802/QĐ-BYT trước đây.
Các nhóm đối tượng được chỉ định tiêm
Sau khi khám sàng lọc, các nhóm đối tượng được chỉ định tiêm chủng như sau: Chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng; trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng; chuyển tiêm đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì; phụ nữ mang thai từ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa; không chỉ định tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.
Đối tượng tiêm chủng được thăm khám nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tư vấn và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng. Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và Giấy cam kết đồng ý tiêm chủng được lưu tại đơn vị tổ chức tiêm chủng trong 15 ngày.
Thu An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm